Violet Jessop là một người may mắn. Năm 1912, nữ tiếp viên này có mặt trên con tàu Titanic huyền thoại và cô đã sống sót thần kỳ khi con tàu gặp nạn ở Bắc Đại Tây Dương. Bốn năm sau, khi làm y tá trên tàu Britannic, Violet Jessop lại một lần nữa thoát chết khi con tàu bị chìm ở biển Aegean tại châu Âu.
Trái lại, cặp vợ chồng Jason và Jenny Cairns-Lawrence thì không may mắn như vậy, thậm chí họ còn bị giới báo chí đặt cho biệt danh "cặp vợ chồng kém may mắn nhất trên thế giới". Bởi lẽ khi cặp vợ chồng này tới thăm New York cũng là ngày không tặc tấn công Trung tâm thương mại thế giới 11/9/2001.
Ít lâu sau, họ tới London thì hệ thống giao thông công cộng của thành phố bị những kẻ khủng bố tấn công năm 2005. Rồi khi họ đi du lịch ở Mumbai, Ấn Độ vào tháng 10/2008 cũng lại có cuộc khủng bố xảy ra. Phải chăng ở đời có thứ gọi là vận may – xui xẻo và “món quà” này không được chia đều cho tất cả mọi người?
Rủi may do nghiệp quả
Nếu như các nhà Nho giáo cho rằng mỗi người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt, mọi cố gắng đều vô ích, thì dưới lăng kính Phật giáo, sự rủi may của số phận không phải do thiên mệnh hay định mệnh mà thân phận mỗi con người là kết quả do quá trình của chúng ta hành động từ một đến nhiều đời.
Kết quả này thường được gọi là nghiệp và nghiệp do con người tạo ra trong quá khứ và từng phút từng giây trong hiện tại qua ba con đường: hành động (thân nghiệp), ngôn ngữ (khẩu nghiệp) và tư duy (ý nghiệp) rồi trở lại chi phối chính người ấy.
Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Đức Phật dạy rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa” . Như thế, sự hiện hữu của mỗi con người trên thế gian này là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện của họ từ (vô lượng) kiếp quá khứ.
Thật vậy, nghiệp tức là chủ động tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại và cho những kiếp tương lai. Vì thế tất cả mọi khổ vui, thành công, thất bại, tướng diện đẹp xấu, thông minh hay khờ dại…của con người trong kiếp sống này là sự thọ lãnh những quả nghiệp do chính họ tự tạo tác từ những đời quá khứ, chớ không do bất cứ sự thưởng, phạt nào của bất cứ ai.
Chuyển giường, xoay bếp để tống rủi, đón may?
Con người luôn tò mò về số phận của mình. Vì thế tử vi, bói toán luôn lên ngôi ở bất kỳ thời kỳ nào. Nhưng cứ thử nghĩ xem lấy ví dụ trên thế giới hiện giờ có trên 7 tỷ người, mà nếu dựa vào một ngày, giờ, tháng, năm sinh nhất định thì tổ hợp có được khoảng 512.000 lá số tử vi cho tất cả mọi người. Sinh cùng giờ thìn, tháng thìn, năm thìn có biết bao người trùng lá tử vi, nhưng có người thì sung sướng sao có kẻ lại khổ đau?
Để giải thích sự sai lệch này, các nhà tử vi lý luận rằng ngoài ngày, giờ, tháng, năm sinh, lá tử vi còn tùy thuộc vào phước đức của họ và của gia đình họ. Đây cũng chính là cách lý giải của quy luật nghiệp quả của nhà Phật.
Nói cách khác, quy luật nhân quả đã xác định rõ ràng rằng: "nhân + duyên =quả" cho nên nhân tác tạo trong đời quá khứ nếu không kết với những duyên bất thiện hiện tại thì sẽ không tạo thành quả dữ để đưa con người vào cảnh khổ.
Do vậy, con người hằng ngày trong cuộc sống, chính mình có thể làm chủ số mệnh của mình bằng cách tạo nhiều thiện duyên và tránh xa duyên ác thì những quả phước thiện đó sẽ đè nén tất cả quả bất thiện khác hoặc nếu quả xấu có hiện hành đi chăng nữa thì nó cũng trở thành nhỏ, không đáng kể, không nguy hại.
Một người luôn mang trong mình tâm không sạch, hành động ác nhưng chưa thể nói rằng, cuộc đời anh ta gặp “vận rủi ro”. Ý nghĩ xấu, hành động ác độc sẽ chỉ tạo nên cuộc sống bất hạnh. Trái lại, ý nghĩ thiện và hành động tốt sẽ đem đến cho bạn cuộc sống an vui, gặp may trong cuộc đời.
Thế nhưng lợi dụng vào sự mê muội, một số nhà tử vi, chiêm tinh, bói toán cho rằng số mạng con người còn tùy thuộc vào sửa cái giường theo hướng Đông hay Tây, sửa cái bếp theo hướng Nam hay Bắc hay sửa chữ ký theo đường này hay hướng khác.
Nhưng theo Phật giáo, cuộc đời có thay đổi, có thăng hoa chỉ khi nào con người biết phục thiện, biết làm lành lánh dữ, biết bố thí giúp đỡ kẻ thế cô. Nói cách khác khi con người sống trong đạo đức nhân bản thì cuộc sống chắc chắn sẽ bình yên, gia đình trên thuận dưới hòa mà không cần sửa giường, sửa bếp, hay chữ ký gì hết.
Nhân duyên chuyển nghiệp
Theo quan điểm của Đức Phật, con người và thế giới được hình thành từ vô số điều kiện, nhân duyên, không do một đấng tối cao hay một thần linh nào tạo ra cả. Cũng không có số mệnh, định mệnh buộc con người phải phục tùng, khiếp sợ.
Lịch sử nhân loại luôn thay đổi, thế giới luôn thay đổi theo định luật vô thường, con người có thể chuyển biến từ xấu thành tốt, từ phàm phu thành thánh hiền, thì làm gì có số mệnh định sẵn. Nếu con người không nỗ lực học tập, nghiên cứu, trau giồi, rèn luyện, tu dưỡng thì không thể tiến bộ, không trở thành gì cả, làm sao có thể ngồi chờ số mệnh an bài? Thái độ sống thụ động, thả trôi thả nổi cuộc đời là thái độ tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội.
Nói cách khác, nghiệp xấu hay nghiệp tốt đều do quá trình của con người hành động từ một đến nhiều đời. Vậy thì khi đã ngộ ra, con người có tự chuyển được nghiệp của mình hay không?
Phật giáo cho rằng, chỉ khi nào thật sự thấu hiểu tường tận về giáo lý nghiệp thì lúc đó nghiệp sẽ không còn chi phối cuộc sống của chúng ta. Vì ta là chủ nhân của nghiệp thì ta có thể sai khiến nghiệp của mình chứ không phải là nô lệ để nghiệp sai khiến.
Ở góc độ khoa học tâm lý, các nhà nghiên cứu Phương Tây kết luận: "Tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó, niềm tin vào số phận có thể giúp giảm bớt gánh nặng tâm lý của mọi người khi phải đưa ra quyết định khó khăn". Vì thế đừng bao giờ tin và chấp nhận vào số phận đã an bài, phải biết tìm kiếm khát khao những ước mơ để vươn tới bởi chỉ có mình mới xoay chuyển được số phận của mình.