Máy bay Nga rơi tại Ai Cập: Nóng lòng chờ “hộp đen” lên tiếng…

Hiện trường máy bay Nga rơi
Hiện trường máy bay Nga rơi
(PLO) - Ngày 31/10/2015, chiếc máy bay chở khách Airbus-321 mang số hiệu KGL-9268 của Hãng hàng không Kogalymavia, từ thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập thực hiện lộ trình tới thành phố Saint Petersburg của Nga đã bị rơi xuống một vùng núi hẻo lánh ở bán đảo Sinai của Ai Cập. Đây là tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử nước Nga. 
Chiếc máy bay Airbus-321 đã bị phá hủy hoàn toàn và toàn bộ 224 người (trong đó có 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn) đều đã thiệt mạng. Trong số các hành khách thiệt mạng có 3 người Ukraine và 214 công dân Nga, trong đó có 25 trẻ em. 
Thảm họa sau 20 phút
Theo Cơ quan Vận tải hàng không Liên bang Nga (Rosaviasia), máy bay trên đã mất liên lạc với trạm mặt đất và biến mất khỏi màn hình radar 23 phút sau khi cất cánh. Hãng tin Nga RIA Novosti cho biết, trước khi bị rơi, Cơ trưởng của máy bay trên đã thông báo với Trung tâm kiểm soát không lưu về các sự cố kỹ thuật sau khi cất cánh, đề nghị thay đổi đường bay và hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Cairo của Ai Cập.
Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Husam Kamal cho biết, phi công điều khiển chiếc máy bay Airbus-321 đã không đề nghị sự trợ giúp của Phòng Điều khiển không lưu sân bay thành phố Sharm el-Sheikh trước khi xảy ra thảm họa. 
Ông Kamal thông báo: “Liên lạc giữa Phòng Điều khiển không lưu với máy bay Nga vẫn ở chế độ bình thường cho đến khi xảy ra thảm họa. Phi công Nga không yêu cầu giúp đỡ, máy bay đột nhiên biến mất khỏi màn hình radar”. Bộ trưởng Kamal cũng cho biết đã tìm thấy cả hai chiếc hộp đen của máy bay và bắt đầu giải mã các dữ liệu ghi được. 
Nhà chức trách Nga cũng thông báo đang tiến hành hai cuộc điều tra độc lập với hãng Kogalymavia. Cuộc điều tra thứ nhất được tiến hành tại hiện trường vụ tai nạn ở Ai Cập, trong khi cuộc điều tra còn lại do Ủy ban Điều tra Liên bang Nga thực hiện và đã bắt đầu thẩm vấn các nhân viên bảo dưỡng máy bay của hãng Kogalymavia tại sân bay của thành phố Samara. 
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cũng đã khởi tố hai vụ án hình sự theo Điều 263 “Vi phạm quy tắc an toàn đi lại và sử dụng phương tiện đường sắt, đường không, đường biển, đường thủy nội địa và tàu điện ngầm” và Điều 238 “Cung cấp các dịch vụ không đáp ứng yêu cầu an toàn” trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga. Văn phòng Hãng hàng không Kogalymavia và nhà điều hành tour Brisco có khách du lịch trên máy bay, cũng như sân bay Domodedovo (nơi máy bay đăng ký hoạt động) đã bị lục soát. 
Ủy ban Hàng không Liên bang Nga đã yêu cầu Hãng hàng không Kogalymavia kiểm tra toàn bộ các máy bay A-321 của hãng này. Theo kế hoạch, hãng Kogalymavia phải ngưng sử dụng dần các máy bay A-321 để kiểm tra chất lượng và đánh giá các nguy cơ. Đây là một phần nằm trong kế hoạch rà soát lại toàn bộ chất lượng an toàn các máy bay của hãng này sau vụ tai nạn ở Ai Cập. 
Ngày 2/11, chiếc máy bay IL-76 của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga chở thi thể các nạn nhân của máy bay Airbus -321 đã hạ cánh xuống sân bay Pulkovo ở Saint Peterburg, Nga. Giới chức Nga cho biết, trên chiếc máy bay này có 140 thi thể. Công tác nhận dạng các nạn nhân cũng được bắt đầu ngay trong ngày 2/11.
Nga đã tuyên bố để quốc tang các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay trên vào ngày 1/11. Trong khi đó Chính quyền thành phố Saint Peterburg tuyên bố 3 ngày tang lễ tưởng niệm các nạn nhân, từ ngày 1 - 3/11, do phần lớn trong số 217 hành khách có mặt trên chuyến bay là cư dân thành phố (132 người). Ngoài ra, có 46 người là cư dân tỉnh Leningrad, 34 người ở các địa phương khác của Nga, 4 người Ukraine và 1 người Belarus. 
Ngay sau khi nhận được tin về vụ máy bay của Nga rơi tại Ai Cập, lãnh đạo các nước đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới lãnh đạo Nga, người thân các nạn nhân xấu số. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Tổng thống Pháp Francois Hollande, giới chức Mỹ,… đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đại sứ quán Nga tại nhiều nước cũng đã mở sổ tang để mọi người tới viếng các nạn nhân. 
Xác máy bay thuộc Hãng hàng không giá rẻ Nga Kogalymavia (Metrojet) tại hiện trường
Xác máy bay thuộc Hãng hàng không giá rẻ Nga Kogalymavia
(Metrojet) tại hiện trường
Nhiều giả thuyết 
Ngay sau vụ tai nạn, nhiều giả thuyết về nguyên nhân máy bay bị rơi đã được đưa ra.
Theo các nguồn tin an ninh ở Bắc Sinai, cuộc điều tra sơ bộ tại hiện trường đã cho thấy nguyên nhân tai nạn là do lỗi kỹ thuật. Nguồn tin trên cho biết, máy bay đã rơi theo phương thẳng đứng, sau đó vỡ thành các mảng lớn và bốc cháy. Khoảng 150 thi thể, trong đó có nhiều thi thể bị cháy xém, đã được tìm thấy trong bán kính 5km ở hiện trường. 
Hãng Kogalymavia sở hữu và khai thác chiếc máy bay bị tai nạn cho biết, chiếc Airbus -321 gặp nạn đã được kiểm tra an toàn hồi năm 2014 và cơ quan hàng không dân dụng Nga Rosaviatsia cho hay “không có lý do gì để xem nguyên nhân vụ rơi máy bay là do sự cố kỹ thuật hoặc sai sót của phi hành đoàn”. 
Ngoài ra, trang Sky News nhận định dòng máy bay A-321 có mức an toàn cao. Trang Airsafe cho biết, tỷ lệ tai nạn của A-321 là 0,1 trên một triệu chuyến bay.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/11, Bộ trưởng Giao thông Maksim Sokolov đã khẳng định rằng chiếc máy bay A-321 của Hãng hàng không Kogalymavia bị rơi ở Ai Cập hôm 31/10 bị vỡ từ lúc đang ở trên không. 
Ông Sokolov nêu rõ: “Hôm qua (1/11), chúng tôi đã làm việc tại hiện trường vụ tai nạn… Qua quan sát trực quan thấy rằng ngày 31/10, máy bay của Hãng hàng không Kogalymavia bay theo lịch trình từ Sharm el-Sheikh (Ai Cập), sau khi xuất phát 23 phút, thân máy bay đã bị vỡ trên không và các mảnh vỡ của nó nằm rải rác trong phạm vi khoảng 20km2”.  
Cùng ngày, Phó Tổng Giám đốc Hãng Kogalymavia, ông Alexander Smirnov cho hay, trước khi gặp nạn chiếc máy bay ở trong điều kiện tốt và nguyên nhân gây tai nạn chỉ có thể do “sự tác động kỹ thuật hoặc vật lý khác” làm máy bay bị vỡ trên không trung và rơi xuống mặt đất.
Trong khi đó, Hãng tin Anh Reuters thông báo một nhóm phiến quân có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Ai Cập đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ bắn hạ máy bay của Hãng hàng không Nga Kogalymavia tại bán đảo Sinai của Ai Cập. Tuy nhiên, cả Cairo và Moskva ngay sau đó đã bác bỏ thông tin này. Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail tuyên bố chưa thể xác định được nguyên nhân của vụ rơi máy bay cho đến khi các dữ liệu hộp đen được phân tích. 
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là khả năng khó có thể xảy ra nhất bởi IS hầu như không đủ trang bị để có thể bắn hạ một chiếc máy bay đang bay ở độ cao 9.500m. Theo Hãng tin Nga RIA Novosticho, dù cho nhóm Vilayat Sinai có trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không xách tay thì loại vũ khí này không thể dùng để bắn rơi chiếc máy bay A-321 ở độ cao này. 
AFP dẫn lời ông Gerard Feldzer, cựu Giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Pháp nhận định, để bắn hạ được một máy bay bay ở độ cao đó, IS phải có hệ thống radar theo dõi và tên lửa tầm xa, nhưng chúng không có cả hai. Ngay cả giả thuyết chiếc máy bay Nga bị bắn bởi tên lửa khi bay ở tầm thấp cũng bị các chuyên gia bác bỏ, bởi họ cho rằng kể cả nếu muốn làm việc này thì cũng phải chuẩn bị cực kỳ kỹ càng. 
Tuyến đường của máy bay Airbus -321 mang theo 224 người, gặp nạn trên bán đảo Sinai
Tuyến đường của máy bay Airbus -321 mang theo 224 người,
gặp nạn trên bán đảo Sinai 
Ngày 2/11, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng cho biết, chưa có “bằng chứng trực tiếp” về việc khủng bố dính líu tới vụ máy bay của Hãng hàng không Nga Kogalymavia bị rơi ở Ai Cập. Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng tại Washington, ông Clapper cho rằng “chưa chắc” nhóm IS có đủ khả năng tiến hành một vụ tấn công như vậy. 
Ông Clapper nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào cho thấy sự dính líu của khủng bố”. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Tôi không loại trừ khả năng này”. 
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ cuộc điều tra vụ máy bay Airbus A-321 của Hãng hàng không Nga Kogalymavia bị rơi. Đề cập tới việc hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp trong cuộc điều tra vụ tai nạn trên, ông Earnest nói: “Đây là một lời đề nghị mở”.
Trước những giả thuyết trên, Cơ quan Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) cho biết, cơ quan này chưa có bất kỳ căn cứ nào để kết luận vụ máy bay của Nga rơi ở Ai Cập là do lỗi kỹ thuật, sai sót của phi hành đoàn hay những tác động từ bên ngoài. 
Trong khi chưa xác định rõ nguyên nhân khiến máy bay rơi, một số hãng hàng không đã tuyên bố bay tránh qua không phận bán đảo Sinai. Cụ thể, Hãng hàng không Nga “Ural Airlines” và “Nordwind” đã thay đổi lộ trình chuyến bay từ Sharm el-Sheikh tới Moskva. 
Trước đó, Hãng hàng không Air France của Pháp cũng quyết định tránh các chuyến bay qua bán đảo Sinai. Trong khi đó, Hãng hàng không Aeroflot của Nga cũng tuyên bố không bay qua không phận bán đảo này.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.