Theo AFP, tờ The Times dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay, các cơ quan tình báo của Anh và Mỹ đã tiến hành một chiến dịch chung, trong đó sử dụng các vệ tinh để nghe lén các liên lạc điện tử giữa các phần tử cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Ai Cập. “Lối diễn đạt và nội dung trong các tin nhắn thu được đã khiến các nhà phân tích tin rằng một quả bom đã được một hành khách hoặc một thành viên trong số các nhân viên trên mặt đất của sân bay mang lên máy bay” – tờ báo trên cho hay.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Chính phủ Anh và Mỹ đều cho rằng một thiết bị nổ có thể là nguyên nhân khiến chiếc máy bay của Nga bị rơi xuống bán đảo Sinai của Ai Cập sau khi cất cánh từ sân bay ở khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh để tới Saint Petersburg, khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng. Trả lời một đài phát thanh của Mỹ ngày 5/11, dù nói rằng vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay, ông nghĩ rằng có khả năng một quả bom đã được đưa lên máy bay, đồng thời tiết lộ giới chức Mỹ đang xem xét cẩn trọng giả thuyết này.
Tại London, Tổng thống Anh David Cameron sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cũng nói rằng một quả bom của các phần tử khủng bố gây ra vụ rơi máy bay là một khả năng có thể đã xảy ra. Tuy nhiên, một người phát ngôn của ông Cameron từ chối bình luận về thông tin do tờ The Times đưa ra với lý do đây là các thông tin liên quan đến vấn đề tình báo.
Tương tự như tờ The Times, tờ The Telegraph cũng thông tin, các cơ quan tình báo Anh và Mỹ đã theo dõi các liên lạc của những kẻ cuồng tín nổi tiếng trong khu vực. “Những đoạn “tán gẫu” giữa những phần tử này trong nhiều ngày trước khi xảy ra vụ rơi máy bay đã cho thấy khả năng một vụ tấn công sắp xảy ra” – tờ Telegraph cho biết nhưng không dẫn nguồn tin.
Trong những ngày qua, IS cũng đã nhiều lần lên tiếng nhận trách nhiệm về thảm họa. Song, giới chức Nga và Ai Cập đều cho rằng đây chỉ là 1 giả thuyết và kêu gọi công chúng kiên nhẫn chờ đợi kết quả cuộc điều tra về vụ việc.
Trong một diễn biến khác, ngày 6/11 Anh đã cho phép nối lại các chuyến bay từ Sharm el-Sheikh tới nước này để đưa những hành khách người Anh đang mắc kẹt ở đây về nước. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Chính phủ Anh, hành khách sẽ chỉ được lên máy bay với hành lý cầm tay. “Các chuyến bay này sẽ được tiến hành cùng với các biện pháp an ninh đặc biệt do Chính phủ Anh yêu cầu. Tất cả hành lý trong khoang sẽ được trả cho hành khách dưới lớp an toàn riêng theo quy định của Chính phủ Anh” – hãng hàng không Thomson Airways trong một tuyên bố cho biết.
Còn giới chức Mỹ cũng kêu gọi thắt chặt an ninh tại một số sân bay nước ngoài có đường bay thẳng tới Mỹ. Bên cạnh đó, giới chức nước này cũng đang thảo luận về các biện pháp an ninh như tăng cường rà soát hành lý tại các sân bay nội địa nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.
Ủy ban hàng không liên bang Nga cho hay đã đình chỉ chứng chỉ bay của các máy bay Boeing 737 đang được sử dụng ở nước này cho đến khi nhận được thông báo rằng những bay này đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.