Mất giống nòi vì…lạm dụng bỉm

Hình minh họa.
Hình minh họa.
(PLO) - Tiện dụng, tuy nhiên hệ lụy của bỉm đối với trẻ nhỏ cũng vô cùng nguy hiểm

Mẹ “yêu” bỉm, con chảy mủ vùng kín

Hiện nay, bỉm giấy có vai trò quan trọng trong công cuộc chăm sóc bé yêu của các bà mẹ. Nhờ bỉm, các bà mẹ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và những công việc không tên như thay quần khi con ị hay tè dầm, không phải vệ sinh sàn nhà nhiều lần, không phải giặt nhiều quần áo, không phải cứ 5 – 7 phút lại bế con vào nhà vệ sinh để “xi” tè…

Với sự tiện dụng đó, nhiều bà mẹ đã lạm dụng bỉm mà không ngờ sẽ gây đến hậu quả nặng nề cho con mình. Nhẹ thì ngứa, nặng hơn thì hăm đỏ, nặng hơn nữa thì gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục của trẻ.

Tại phòng khám Nhi của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Bùi Thùy Dương đã chứng kiến nhiều trường hợp bộ phận sinh dục của trẻ em gái bị viêm nhiễm, hăm đỏ, gây mùi hôi và tạo mủ khiến các bé đau đớn, khó chịu.

Bác sĩ Dương cho biết: “Vì nhiều lý do nên các bậc phụ huynh thường hay cho con mình đóng bỉm. Tuy nhiên, việc lạm dụng đóng bỉm với thời gian đóng thường xuyên và kéo dài sẽ gây những hậu quả nặng nề cho các bé mà cha mẹ không lường trước được.

Vì đóng bỉm rất bí, mồ hôi sẽ bị ứ đọng cùng với nước tiểu gây ra tình trạng viêm nhiễm vùng cơ quan sinh dục và hậu môn.

Với bé gái việc lạm dụng bỉm đóng quá lâu sẽ gây hăm đỏ vùng sinh dục, một số trẻ ở tình trạng nặng còn bị hôi và chảy mủ ở vùng sinh dục. Với những trường hợp này, các bác sĩ phải cấy những dịch đó lên để xem đó là vi khuẩn gì rồi mới có phương pháp điều trị”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Chị Nguyễn Thị Thường (Hà Đông, Hà Nội) đến nay vẫn chưa hết rùng mình khi nhớ đến tác hại của việc lạm dụng bỉm khi sinh đứa con đầu tiên. Chị cho biết: “Lúc sinh bé đầu tiên, tôi nghe mọi người chỉ cách dùng bỉm đóng cho con để con được sạch sẽ, ngủ ngon hơn và cũng đỡ vất vả cho mẹ. Tôi thấy có lý nên cũng mua bỉm về làm theo.

 Đúng là tiện dụng thật, tôi được rảnh rang hơn rất nhiều khi không phải thay quần áo liên tục cho con khi con tè dầm. Nhưng vì chủ quan, tôi thấy bỉm chưa đầy nên cứ để qua 5 – 6 tiếng đồng hồ mới thay, lại thấy tiện dụng nên hầu như tôi đóng cả ngày.

Cho đến một hôm thấy con quấy khóc nhiều, lật mông bé lên, tôi mới tá hoảng khi thấy hai mông của con đã loét đỏ. Đưa con vào bệnh viện tôi mới biết bé bị hăm do đóng bỉm thường xuyên với thời gian dài”.

Bác sĩ Dương cho biết thêm: “Tình trạng trẻ bị hăm đỏ do lạm dụng đóng bỉm là vấn đề thường thấy ở các bậc phụ huynh khi chăm sóc cho con nhỏ. Còn những trường hợp nặng dẫn đến viêm nhiễm nặng, gây mùi hôi đến mức tạo thành mủ xanh, tuy ít thấy, có thể một tháng mới có một trường hợp nhưng không phải là không có. Vì thế các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà lạm dụng bỉm đóng cho trẻ”.

Mất giống nòi vì bỉm   

Việc lạm dụng bỉm không chỉ gây ra tình trạng hăm đỏ ở bé gái mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng với bé trai. Cũng tại phòng khám Nhi của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Bùi Thùy Dương đã chứng kiến những trường hợp trẻ bị phymosis (hẹp bao quy đầu), sau đó bị viêm, sưng tấy lên rất đau đớn vì phụ huynh lạm dụng đóng bỉm trong thời gian dài. 

Bác sĩ Dương cho biết: “Với những trẻ khi bị hẹp phymosis, lớp da ở bao quy đầu không tuột lên được thì việc trẻ bị đóng bỉm nhiều quá sẽ gây đóng cặn nước tiểu lại rồi gây viêm bao quy đầu. Qúa trình bị viêm sẽ sưng phồng lên rất đau đớn.

Tình trạng nặng hơn, phần bao quy đầu bị viêm sẽ xuất hiện mủ xanh. Cách giải quyết là dùng kháng sinh để giảm đau, làm phần bao quy đầu không còn viêm nữa. Khi giảm viêm rồi các bác sĩ mới tiến hành nong bao quy đầu bằng cách cắt phymosis. Tình trạng viêm nhiễm xuất hiện ở trẻ từ 1 – 15 tuổi, nhưng thông thường hay rơi vào lứa tuổi 4 – 5 tuổi là nhiều vì khâu vệ sinh cho các bé rất kém”.

Đặc biệt, việc dùng bỉm thường xuyên kéo dài ở bé trai còn gây hại cho tinh hoàn. Vì đeo bỉm thường bị kín hơi, lại bó sát vào cơ thể trẻ, dễ làm cho nhiệt độ tăng lên. Nếu nhiệt độ tăng lên tới 37 độ C và tình trạng này kéo dài, diễn ra lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn trong việc sản xuất tinh trùng sau này của các bé.

 “Với tất cả mọi thứ sử dụng, cụm từ “lạm dụng” là đã ngầm hiểu điều không tốt, cho nên việc lạm dụng bỉm quá nhiều sẽ làm cho khu vực sinh dục, hậu môn ít nhiều bị ảnh hưởng. Tôi đã chứng kiến trường hợp mẹ đã để lưu bỉm cho bé quá lâu, phân và nước tiểu ứ đọng gây đỏ rực vùng sinh dục, hậu môn khiến trẻ quấy khóc vì đau rát mỗi lần đi vệ sinh hoặc khi mẹ vệ sinh chăm sóc vùng da bị tổn thương.

Ngoài ra, có thể kể đến những trường hợp là hậu quả của việc lạm dụng đóng bỉm như viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tã lót, viêm hăm kẽ, nấm nông trên da…” TS.BS. Phạm Mai Hương cho biết. 

Dùng bỉm cũng phải biết cách

Bên cạnh việc lạm dụng đóng bỉm cho con, nhiều bậc phụ huynh còn thiếu kiến thức trong việc chọn bỉm, cách đóng bỉm, thời gian đóng bỉm… cho bé yêu của mình.

TS.BS Phạm Mai Hương, Bệnh viện Nhi Trung ương rất ái ngại với cách suy nghĩ của một số bậc phụ huynh là bỉm cũng chỉ để chứa các chất thải cho trẻ nên dùng bỉm loại nào cũng được, họ không biết rằng làn da của trẻ vốn rất nhạy cảm, rất dễ bị kích ứng dị ứng nên cần thiết phải chọn những loại bỉm có nguồn gốc sản xuất, hạn sử dụng, thành phần của bỉm rõ ràng, chất lượng tốt, thấm hút tốt  nếu không nước tiểu của trẻ bị ứ đọng sẽ gây viêm da.

Chưa kể, nhiều người cứ cố kéo dài thời gian đóng bỉm thêm một chút vì như vậy sẽ tiết kiệm được một bỉm, hay không chú ý đến việc sử dụng các chế phẩm để bảo về bề mặt da vùng sinh dục hậu môn. 

“Nhiều bậc phụ huynh cũng không biết cách chọn lựa những loại bỉm phù hợp cho con. Phụ huynh nên nhớ, việc đóng bỉm cho trẻ không đúng cách như không đúng kích thước, bỉm nhỏ hơn bụng gây bó bụng sẽ khiến trẻ nôn trớ, vùng da bị hằn đỏ gây đau rát, khó chịu vô cùng.

Lời khuyên chung cho các bé đã có hiện tượng bất thường trên vùng da sinh dục, hậu môn là hạn chế dùng bỉm, hoặc phải kiểm tra lại cách dùng bỉm, loại bỉm xem đã đúng chưa, phù hợp với con chưa. Dùng một số chế phẩm để bảo vệ bề mặt da vùng da sinh dục hậu môn thường xuyên. Đi khám bác sĩ nếu thấy tình trạng không cải thiện” - bác sĩ Hương khuyến cáo.

Lạm dụng bỉm biến con thành “máy” bài tiết

Cùng với những hậu quả trên, việc cha mẹ quá lạm dụng bỉm sẽ gây cho trẻ một thói quen xấu là nếu buồn thì cứ bài tiết tự động trong bỉm. Nếu vấn đề này kéo dài, dần dần trẻ sẽ mất phản xạ gọi để báo cho cha mẹ lúc cần đi vệ sinh khi đã biết nói. Kết quả là trẻ có thể đi tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát được hoặc hay bị tè dầm khi lớn.

Đọc thêm

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu
(PLVN) - Ngày 21/12, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, tổ chức lễ ra mắt hệ thống máy MRI 3.0 Tesla - công nghệ AI tầm soát đột quỵ. Đồng thời, hệ thống máy MRI 3.0 Tesla hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán chính xác các bệnh lý phức tạp về thần kinh, mạch máu, ung thư…

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.