Mất cơ hội nghề nghiệp
Cách đây không lâu, trong một lần trao đổi với báo chí về vấn đề bình đẳng giới (BĐG) trong môn Ngữ văn, cô giáo Dương Thị Huệ - giáo viên Trường THPT Quốc học Huế đã chia sẻ, từ ca dao tục ngữ cho đến tác phẩm văn học, cứ phụ nữ xuất hiện là đã nghe thấy tiếng hát than thân. Một sự xuất hiện gần như là mặc định và dày đặc như vậy khiến giáo viên đôi khi cũng bị ảnh hưởng mà chưa đặt ra vấn đề về BĐG lên trên mỗi tác phẩm.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12, gần 8.300 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản nhưng chỉ có 24% là nữ giới, 7% là trung tính (ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh), còn nam giới chiếm đến 69%. Tương tự, trong gần 8.000 hình ảnh, nam giới chiếm tỷ lệ lớn hơn (58%).
Đặc biệt, hiện có 95% nhân vật quan trọng, nổi tiếng được nhắc đến trong SGK là nam giới. Nữ giới xuất hiện trong sách thường làm nhân viên, nội trợ, có tính cách hướng nội, phụ thuộc. Trong khi đó, nghề nghiệp của nam giới đa dạng hơn, gồm bác sĩ, nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, họa sĩ, bộ đội, công an... Nam giới cũng được xem là trụ cột gia đình, hướng ngoại và có tiếng nói quyết định.
Những ví dụ trên đây đã phần nào cho thấy thực tiễn về vấn đề giới trong SGK hiện nay. Theo bà Trần Thị Phương Nhung - Giám đốc Chương trình Sáng kiến về BĐG và Giáo dục trẻ em gái UNESCO, SGK Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những khuôn mẫu giới.
Điều này thực sự đáng lo ngại bởi bất BĐG xuất phát từ chính những định kiến giới được hình thành từ các chuẩn mực và khuôn mẫu giới do xã hội tự đặt ra cho nam và nữ. Nội dung, hình ảnh chứa nhiều định kiến giới sẽ là yếu tố tác động trực tiếp đến nhận thức của học sinh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách, suy nghĩ, cách nhìn nhận, thái độ, hành vi ứng xử của các em.
Bà Trần Thu Thủy - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu như vấn đề BĐG không được coi trọng và chú ý trong SGK, nó sẽ dẫn đến một số hệ lụy. Đơn cử, nạn bắt nạt ở học đường cũng xuất phát từ việc nam giới cho rằng mình mạnh mẽ, có quyền uy, có quyền được ra lệnh, hay mình có thể đối xử một cách bạo lực với người khác.
Ngoài ra, khi các em lớn lên, những định kiến tăng dần sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp mang đầy những khuôn mẫu giới, mà không quan tâm đến năng lực, sở thích”.
Thay đổi thế nào?
Quay lại với câu chuyện những thân phận nữ giới trong môn Ngữ văn, nhiều giáo viên dạy môn học này đã nhận thức được rằng, tuy chương trình là vậy, nhưng khi giảng dạy vẫn cần ý thức rõ về sự liên hệ trong từng bối cảnh, đẩy mạnh yếu tố BĐG để tác phẩm truyền đạt đến học trò sẽ thật sự hoàn thiện.
Vì thế, giảm tải số lượng tác phẩm nặng vấn đề bất BĐG chỉ giữ lại những tác phẩm thật sự nhân văn; được trang bị những khóa học thiết thực về vấn đề BĐG, nhạy cảm giới và định kiến về giới để giáo viên ý thức sâu sắc hơn về BĐG đúng nghĩa, trước khi bắt đầu bài giảng và truyền được tinh thần đó đến đông đảo học trò của mình – đó là mong muốn của nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn.
Để những mong muốn này trở thành hiện thực, mới đây Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Lồng ghép giới trong SGK phổ thông” để các chuyên gia hiến kế “đẩy lùi” bất BĐG trong SGK. Theo bà Trần Thị Phương Nhung, những người đóng vai trò trực tiếp vào việc lồng ghép giới trong SGK gồm tổng chủ biên/chủ biên, tác giả chương trình, tổng chủ biên/chủ biên, tác giả sách giáo khoa, hội đồng thẩm định, người có thẩm quyền ra quyết định, họa sĩ minh họa hình ảnh.
“Lồng ghép giới trong SGK không chỉ là lưu ý đến tỷ lệ, sự hiện diện của nam, nữ hoặc tên nhân vật, nghề nghiệp mà nhân vật đại diện, ngôn từ sử dụng, hình ảnh minh họa... mà còn phải quan tâm đến nhiều vấn đề khác”, bà Nhung nhấn mạnh.
Tiếp nhận đánh giá về SGK hiện hành, ông Phan Xuân Thành - Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định, giới và BĐG là vấn đề lớn, luôn được quan tâm trong lĩnh vực giáo dục. Hiện NXB Giáo dục đã và đang trang bị cho đội ngũ tác giả, những hiểu biết nhất định về giới, hiểu thực trạng vấn đề lồng ghép giới ở thế giới và Việt Nam. Bên cạnh đó cũng xác định nội dung thiết yếu và phạm vi bắt buộc như định kiến giới, nhạy cảm giới, bạo lực học đường trên cơ sở giới...
Tuy nhiên, theo ông Thành, lộ trình thay SGK mới theo lối cuốn chiếu nên việc tồn tại SGK hiện hành còn kéo dài 5 năm nữa. Do vậy, việc khắc phục hạn chế hay lồng ghép giới vào SGK hiện hành bằng tác động trực tiếp như thay đổi hình vẽ, đưa nội dung mới là không thể thực hiện. “Chúng ta cần giải pháp bù đắp là tổ chức biên soạn SGK tham khảo hoặc tài liệu hướng dẫn học vào chương trình ngoài giờ lên lớp hay sinh hoạt lớp cuối tuần”, ông Thành nêu quan điểm.