Malaysia: Bê bối tham nhũng ở Quỹ đầu tư nhà nước

Số tiền cực lớn thu giữ được ở nhà một quan chức tham nhũng Malaysia
Số tiền cực lớn thu giữ được ở nhà một quan chức tham nhũng Malaysia
(PLO) - Theo tờ FreeMalaysiatoday, nữ Nghị sĩ Nurul Izzah Anwar muốn thành lập một ủy ban độc lập với sự tham gia của hai phe trong Nghị viện Malaysia để điều tra một cách đầy đủ và trung thực vấn đề liên quan đến Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB). 

Ngày 22/6, nghị sĩ thuộc khu vực bầu cử Lembah Pantai, Tây Nam thủ đô Kuala Lumpur đã lên tiếng hối thúc Chủ tịch Nghị viện Pandikar Amin Mulia triệu tập một phiên họp khẩn cấp để bàn về việc thành lập ủy ban này. 

Che giấu bằng “tài liệu mật”

Bà Nurul, đồng thời là Phó Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PKR), kêu gọi Nghị viện công khai bản báo cáo trước đây của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm toán về vấn đề 1MDB. Việc xếp loại bản báo cáo này vào diện “tài liệu mật” là một việc làm sai trái chiểu theo Đạo luật về Bí mật Chính thức của Malaysia. Bà Nurul hy vọng ủy ban nói trên sẽ “vạch trần và thu hồi tất cả những tài sản bị lấy cắp và những nguồn lực bị biển thủ, vốn thuộc về người dân Malaysia”. 

Trên trang blog cá nhân của mình, Nghị sĩ Nurul cho rằng Nghị viện là cơ quan có trách nhiệm cuối cùng trong việc vạch trần toàn bộ vụ xì-căng-đan quy mô lớn này và là niềm hy vọng đối việc thu hồi lại tài sản đã mất trong bối cảnh Thủ tướng (Najib Razak) sử dụng siêu quyền lực để kiểm soát hoàn toàn Tổng Chưởng lý, lãnh đạo Ủy ban Chống tham nhũng và Tổng Thanh tra Cảnh sát. Theo bà Nurul, nếu Nghị viện không thể điều tra rốt ráo hành động phạm pháp rõ ràng này thì điều đó chỉ có thể được hiểu rằng đảng cầm quyền và các đối tác của mình chấp nhận bất cứ hình thức tội phạm nào diễn ra dưới thời chính quyền Najib Razak. Người dân Malaysia cần phải hiểu rõ về sự đồng lõa của họ trong vụ xì-căng-đan này. 

Bà Nurul cho rằng, Nghị viện Malaysia cần đảm bảo tất cả “những kẻ ăn cắp” phải được đưa ra trước công lý và bị loại ra khỏi bộ máy công quyền. Nếu chính phủ Malaysia muốn giành lại một phần niềm tin từ người dân, công tác điều tra của ủy ban nói trên cần làm rõ sự liên đới cũng như vai trò của Thủ tướng, Tổng Chưởng lý, Tổng Thanh tra cảnh sát và lãnh đạo ủy ban chống tham nhũng. Bà Nurul kêu gọi các thành viên Nghị viện (từ liên minh cầm quyền BN) hãy đứng về phía quốc gia thay vì đảng phái. Bà hối thúc các nghị sĩ coi trách nhiệm của mình trước người dân cao hơn lòng trung thành đối với một chính phủ “thất bại”. 

Theo bà Nurul, đã đến lúc phải điều trị “dịch bệnh phủ nhận và cấu kết” trong vụ xì-căng-đan tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Malaysia. Mặc dù vụ 1MDB đã làm ô uế hình ảnh của Malaysia cả trong mắt người dân trong nước và ngoài nước nhưng mỗi ngày vẫn có thêm các nghị sĩ của liên minh cầm quyền “đầu hàng” dịch bệnh này. Bà cho rằng, các nghị sĩ chịu trách nhiệm đối với sự ra đời của chính phủ hiện tại và đối với việc quản trị 1MDB cần phải đủ dũng cảm để giải quyết những cáo buộc nghiêm trọng kể trên, nhằm tẩy sạch vết nhơ dai dẳng này cũng như để ổn định nền kinh tế quốc gia, đồng thời tập trung ưu tiên vào những nhiệm vụ khác như tạo việc làm và nâng cao mức sống cho người dân. 

Lắt léo những “xảo thuật”

Bà Nurul lưu ý những tiết lộ mới nhất của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cũng như những phủ nhận của Tổng Chưởng lý Apandi Ali và những người khác liên quan đến vụ gian lận nghiêm trọng này. Theo đó, từ năm 2010 cựu lãnh đạo phe đối lập tại Nghị viện, ông Anwar Ibrahim (cha đẻ của bà Nurul) đã cảnh báo về sự thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm trong kế hoạch về 1MDB. Ông Anwar cũng cảnh báo rằng kế hoạch này (lập Quỹ đầu tư 1MDB) chỉ nhằm để làm giàu cho một số người nhất định. Ông còn phản đối việc áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) khi cho rằng chính phủ của liên minh cầm quyền sẽ sử dụng tiền thu từ GST để lấp liếm “các khoản chi tiêu lãng phí và tham nhũng tràn lan” của mình. Bà Nurul nhấn mạnh thêm rằng những điều này đã được chứng minh qua những diễn biến gần đây ở Malaysia. 

Theo hồ sơ điều tra, Bộ Tư pháp Mỹ kết luận 1 tỉ USD của Quỹ 1Malaysia Development Berhad (1MDB) đã chui vào túi riêng của Thủ tướng Malaysia Najib Razak theo nhiều con đường khác nhau. Tại Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia, dòng tiền thất thoát đi vòng qua các ngân hàng tư nhân, công ty và quỹ bình phong. Các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong sơ đồ rửa tiền của 1MDB gồm Singapore, Thụy Sĩ, Saudi Arabia, Thái Lan, quần đảo Seychelles, quần đảo Virgin và Curaçao. Theo tài liệu điều tra, đã lần ra dấu vết của hơn 500 giao dịch chuyển tiền phi pháp. Ngày 3/9/2015, Thụy Sỹ đã đóng băng các tài sản trị giá hàng chục triệu USD, một phần của cuộc điều tra nhằm vào Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB). Người phát ngôn Văn phòng Tổng Chưởng lý Thụy Sỹ (OAG) bà Anna Wegelin nêu rõ Văn phòng Tổng Chưởng lý Thụy Sỹ (OAG) đã đóng băng các tài sản trị giá hàng chục triệu USD của các tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ. OAG đồng thời xác nhận đã mở các vụ kiện hình sự đối với 2 ủy viên điều hành của Quỹ 1MDB liên quan đến hoạt động rửa tiền và “được cho là có hành vi sai trái”.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.