Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và đỡ đẻ thành công cho một trường hợp sản phụ bị tiền sản giật nặng đang điều trị tiểu đường thai kỳ.
Hồ sơ bệnh lý cho biết, từ tuần 32 của thai kỳ, chị Lê Thị Thu T. (SN 1984, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện tình trạng phù kèm theo đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, chỉ số protein niệu cao, ảnh hưởng chức năng gan, chức năng phổi. Sản phụ có tiền sử mổ đẻ cũ 2 lần, cùng với đó đang điều trị tiểu đường thai kỳ.
Nhập viện điều trị tại khoa Đẻ tự nguyện D3, chị T. được đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc và theo dõi sát sao. Nhận định đây là trường hợp tiền sản giật nặng, các bác sĩ quyết định mổ chủ động ở tuần 35 để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả sản phụ và em bé.
Kết quả, 15h16 ngày 19/1/2021, một bé trai nặng và một bé gái đều có cân nặng 2300g cất tiếng khóc chào đời. Sau mổ, tình trạng sức khỏe của mẹ và em bé đều ổn định, hiện đang được tại bệnh viện.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khuyến cáo các thai phụ cần biết, tiền sản giật là rối loạn thai nghén do huyết áp cao, phù và protein niệu. Bệnh bắt đầu từ tuần 20 của thai kỳ và nếu không chữa trị sẽ dẫn đến co giật (hay được gọi là sản giật).
Theo TS. BS. Đinh Thuý Linh, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đối tượng của tiền sản giật rất rộng. Với hơn 10 triệu ca mắc trên thế giới, 76.000 thai phụ tử vong mỗi năm do tiền sản giật và các rối loạn cao huyết áp có liên quan, tiền sản giật là bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng cho cả thai phụ lẫn thai nhi.
Từ thời điểm 11 tuần 6 ngày của thai kỳ, thai phụ có thể thực hiện sàng lọc tiền sản giật để phát hiện bệnh kịp thời. 3 bước sàng lọc tiền sản giật bao gồm đo huyết áp; siêu âm đo doppler động mạch tử cung; lấy máu xét nghiệm.