Đóng góp ý kiến về quy định thẩm quyền của Tòa án các cấp, nhiều ĐB bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định này tại Dự thảo, đề nghị giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tại các Điều 32 và 33 của dự thảo Luật nhằm hạn chế tác động từ phía UBND cấp huyện, ảnh hưởng đến sự độc lập, khách quan của Thẩm phán khi xét xử vụ án.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) "Dân kiện quan có tâm lý lo ngại". |
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nói: "Dân kiện quan" có tâm lý lo ngại. Thẩm quyền là vấn đề mấu chốt cần xác định. Người dân đi kiện phải tìm đến người có tính chất trung gian, khách quan để phán quyết đúng sai. Tôi thấy có điểm đúng là tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền đối với các vụ án đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở nên. Nó giải tỏa tâm lý của người dân trong quá trình tìm sự công bằng, nó giúp cho nền hành chính công bằng.”
ĐB Bùi Mạnh Hùng cũng cân nhắc đến các luật liên quan, tuy nhiên, ông vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình: “Nếu suy luận như vậy thì việc của tòa án cấp tỉnh thì phải giao cho tòa án cấp cao hơn. Nhưng Tòa án cấp cao lại không có chức năng xét xử sơ thẩm. Do luật Tổ chức Tòa án quy định thẩm quyền tòa các cấp, nên Dự thảo Luật Tố tụng Hành chính lần này phải điều chỉnh. Điều đó là thụt lùi, chưa đứng trên quan điểm của người dân. Rất khó để người dân tin rằng việc tòa án cùng cấp xét xử UBND huyện là công bằng.
Do đó, tôi đề nghị bảo lưu quan điểm Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ xét xử khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện và đề nghị xem xét lại quy định để tòa án cấp cao cũng thể xét xử sơ thẩm. Tôi mạnh dạn đề nghị như trên, không nên vì một quy định của luật này mà làm ảnh hưởng đến luật khác, đến sự tiên tiến của nền hành chính. Bác Hồ có nói: Cái gì có lợi cho dân thì khó cũng phải làm”.
ĐB Thân Đức Nam đồng quan điểm. Ông cho rằng Luật quy định tòa án cấp cao không có quyền sơ thẩm như quy định hiện nay sẽ tạo thành "nút thắt cổ chai" với án Hành chính. Sau khi liệt kê những bất lợi từ quy định hiện tại, ông nhất trí với quan điểm cần phải sửa đổi quy định về thẩm quyền của tòa án các cấp.
ĐB Chu Sơn Hà: Người dân cần bảo đảm danh dự, bảo đảm công lý |
Đứng trên quan điểm của người lắng nghe thấu hiểu tâm lý cử tri trước các vụ án “dân kiện quan”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nói: “Tôi đã chứng kiến một đồng chí chánh án cấp huyện phản ánh là nếu tòa cấp huyện xử UBND cấp huyện, chủ tịch huyện sẽ rất khó. Nếu mà xử "quan" thua "dân", thì dù thẩm phán đó có năng lực, là cán bộ được quy hoạch rồi, việc đề bạt cũng rất khó khăn. Có khi phải chuyển địa bàn công tác mới yên. Tôi đề nghị thẩm quyền cấp huyện chỉ xử ở các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã, còn cấp tỉnh xử khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cấp tối cao thì xử khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ông cũng nói thêm: “Có ý kiến cho rằng quy định không phù hợp với việc phân cấp của tòa cấp huyện tại Luật tổ chức Tòa án. Nhưng đây là một loại án đặc thù, nên tôi cho rằng không nên phân cấp như vậy. Cũng có ý kiến nếu cho lên cấp tỉnh thì đường xá xa xôi, khó khăn cho đương sự. Thưa quý vị, người dân cần bảo đảm danh dự, bảo đảm công lý, cho nên không cần lo cho người dân điều đó.”
Cũng liên quan đến thẩm quyền giải quyết vụ án, một số ĐB cũng cho rằng việc quy định “TAND cấp tỉnh có thể xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp theo đề nghị của tòa án nhân dân cấp huyện, khi thấy cần thiết, tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên” là không dứt khoát, thiết tính nghiêm minh. Luật không nên dùng từ “khi xét thấy cần thiết” “có thể”… Bởi quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho người có quyền lợi liên quan.
Cũng trong phiên họp hôm nay, trước khá nhiều ý kiến liên quan đến thẩm quyền của tòa án các cấp đối với vụ án hành chính, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu - người chủ trì phiên họp - đã phải nhấn mạnh đến quy định của Luật Tổ chức Tòa án, mà đặc biệt là thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao , theo đó, Tòa án nhân nhân cấp cao không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án. Do đó, không thể quy định Tòa án nhân dân cấp cao xét xử sơ thẩm vụ án hành chính.
Theo quy định của Dự thảo luật Tố tụng Hành chính trình QH cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp này, Điều 32 nêu rõ: Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó.
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó. 3. Khiếu kiện về danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án.
Tại Điều 33: Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: 1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án. Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam, thì Toà án có thẩm quyền là Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
5. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án.
6. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án.
7. Theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện và khi xét thấy cần thiết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 32 của Luật này.