Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) (sau đây gọi chung là dự thảo BLTTDS (sđ)). Ngày 25/8/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 để thảo luận về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của dự thảo BLTTDS (sđ). Tháng 9/2015, thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra gửi dự thảo Bộ luật xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐĐBQH). Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật.
Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng trong tố tụng dân sự Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng.
Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng.
Một số ý kiến ĐBQH, Đoàn ĐBQH cho rằng, trong tố tụng dân sự VKSND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng do vậy VKSND là cơ quan tham gia tố tụng.
Về vấn đề này, UBTVQH có ý kiến như sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 của Hiến pháp năm 2013, thì VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND; nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 4 và Điều 27 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị tiếp tục xác định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự như quy định tại Điều 39 của BLTTDS hiện hành và dự thảo BLTTDS (sđ) trình Quốc hội kỳ họp thứ 9. Dự thảo Bộ luật được thể hiện tại các điều 46, 57 và 58 như loại ý kiến thứ nhất của ĐBQH.
Tuy nhiên, qua thảo luận có ý kiến trong UBTVQH cho rằng theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì cần xác định lại vị trí của VKSND trong tố tụng dân sự là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự với lý do:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã bỏ quy định về quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND mà trước đây Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 có quy định, hiện hành chỉ quy định VKSND có quyền kiến nghị khởi kiện vụ án dân sự.
Vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ án dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND (cụ thể: thụ lý vụ án, lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải, ra các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, trưng cầu giám định…), mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự, thể hiện rõ được cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp năm 2013 giữa TAND và VKSND.
Về sự tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của VKSND (Điều 21), UBTVQH nhận thấy, Điều 21 của BLTTDS hiện hành (Điều 21 của dự thảo BLTTDS (sđ)) đã quy định cụ thể các trường hợp VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự; thực tiễn thi hành quy định của BLTTDS hiện hành cho thấy quy định này nhìn chung phù hợp với thực tiễn nước ta.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị nghiên cứu, tiếp thu theo loại ý kiến thứ nhất của nhiều ĐBQH, giữ nguyên như quy định tại Điều 21 của dự thảo BLTTDS (sđ). Đồng thời, để bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, VKSND, UBTVQH đề nghị quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa. Nội dung này xin được chỉnh lý như quy định tại Điều 232 và khoản 1 Điều 296 của dự thảo BLTTDS (sđ).
Về việc phát biểu quan điểm của VKSND tại phiên tòa sơ thẩm, UBTVQH thấy rằng quy định về việc phát biểu quan điểm của VKSND tại phiên tòa cần căn cứ vào quyền hạn nhiệm vụ của VKSND theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014.
Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và quy định của Hiến pháp năm 2013, UBTVQH đề nghị tiếp thu, chỉnh lý lại như quy định tại Điều 262 của dự thảo BLTTDS (sđ) như sau:
“Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.”
Liên quan đến thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát, UBTVQH thấy rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì trong tố tụng dân sự, VKSND là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ việc dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND nên việc quy định VKSND thu thập chứng cứ là không phù hợp, mâu thuẫn với nguyên tắc trách nhiệm cung cấp chứng cứ và chứng minh của các đương sự trong tố tụng dân sự và trách nhiệm của TAND hỗ trợ các đương sự tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ và Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự trong các trường hợp do BLTTDS quy định. Vì vậy, UBTVQH xin giữ như quy định của dự thảo Bộ luật.
Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo BLTTDS (sđ), theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Nhiều ý kiến khác đề nghị không quy định nội dung này trong BLTTDS (sđ).
UBTVQH nhận thấy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) như quy định tại Khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của TAND là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Khoản 1 Điều 102) và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại các điều 4, 43, 44 và 45 của dự thảo Bộ luật.
Quy định như vậy là phù hợp với nội dung tại các điều 5,6 và 14 của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật.