Đây là phiên họp về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua của QH.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, QH đang làm luật theo thành tích. Đưa vào chương trình xây dựng Luật một khối lượng quá lớn. Vì khối lượng ấy, nên công tác xây dựng luật thiếu chất lượng. Chưa có chiến lược cho việc xây dựng luật nên xẩy ra tình trạng thay đổi chương trình làm luật, “luật vào luật ra” trong kỳ họp QH.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng cho rằng chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của chúng ta rất lớn. Vì thế ông nhận xét: “Với số lượng đó, ban hành không chậm mới lạ.”
Theo ĐB Chu Sơn Hà, việc thiếu chất lượng của luật là do thẩm tra “chay”, thẩm tra nể nang. Ông đề nghị quá trình thẩm tra phải sát sao. Nếu không đủ chất lượng thì từ chối ngay, không đưa vào chương trình.
Chung quan điểm về việc QH không giám sát chặt chẽ, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng: Cơ quan thẩm tra, giám sát cần giám sát ngay khi Luật có hiệu lực. “Việc tổ chức giám sát ngay sẽ đem lại nhiều lợi ích. Nhiều nội dung của luật cần cụ thể hơn thì cơ quan giám sát sẽ phát hiện ngay để gióp ý với cơ quan ban hành nghị định, thông tư”, ông nói.
Nói về hậu quả của việc Luật ban hành nhưng không thực hiện, ĐB tỉnh Bình Định nhất mạnh: Điều quan trọng hơn là nếu một ngày Luật chậm thực thi, sẽ thiệt hại hơn cho xã hội.
Nguyễn Đình Quyền lên tiếng “bênh vực” Chính phủ: “QH đã ban hành nhiều luật chỉ mang tính chung chung, sau đó giao rất nhiều nội dung cụ thể cho CP quy định, trong một thời gian ngắn, CP rất khó thực hiện. Đây là hạn chế của QH”.
Ông cũng cho rằng, việc giám sát ban hành văn bản của QH lại rất yếu. “Chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc có ban hành không. Còn việc nó có phù hợp không, chồng chéo như thế nào… chưa giám sát được. Tôi nhấn mạnh vai trò của các UBQH”, ông Quyền nói.
Tuy nhiên, ĐB Quyền kiến nghị: Các bộ, ngành cần tập trung, quan tâm hơn nữa việc soạn thảo, hướng dẫn thi hành, hạn chế bớt việc thăm hỏi, khánh thành. Mà tập trung vào hoạch định chính sách, triển khai, kiểm ta, xử lý vi phạm.
"Đã đến lúc, cần nâng cao hơn nữa đội ngũ làm luật. Sắp tới, hướng của chúng ta là QH ban hành luật, CP ban hành thông tư, không giao cho các bộ, ngành nữa", ông Quyền nêu ý kiến.
ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) Đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, các bộ, sự phối hợp của các bộ, các cơ quan thuộc bộ . Đây là nguyên nhân chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật, nhất là với thông tư liên tịch.
Mở đầu phiên làm việc sáng nay, QH cũng đã Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy, với 100% số phiến tán thành.
Cùng quan điểm với nhiều ĐB khác, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng tình trạng luật chậm, bất cập với cuộc sống được là do còn chứa đựng lợi ích ngành, lợi ích nhóm. Ông cũng đưa ra nhận định: Sự phối kết hợp giữa cơ quan soạn thảo chưa tốt, thiếu đồng bộ.
“Ban soạn thảo thường rất ít có lãnh đạo tham gia. Cơ quan thẩm tra vẫn có tình trạng dễ dãi, thỏa hiệp. Ban soạn thảo cũng có khi không biết bảo vệ chính kiến của mình, bị động, không thống nhất.” – ĐB tỉnh Thanh Hóa nói.
ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh vai trò của nhân lực chuyên trách: “Chúng ta thử tính số trường đào tạo ngành luật, số luật sư trên đầu người của chúng ta ra sao? Quá thấp so với quốc tế. Số cán bộ chuyên trách quá ít".
Bà Tiến cho rằng không như các đại biểu nói, không phải chỉ giao cho một thứ trưởng, mà đến cả bộ trưởng cũng phải đi vào từng ngõ ngách, học hỏi khắp nơi để ban hành Luật.
Các đại biểu cũng đề nghị QH, CP cần làm rõ việc tình trạng QH đã thảo luận cho ý kiến về dự luật, ý kiến của các đại biểu đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo trình QH. Tuy nhiên, đến khi ban hành Luật thì những ý kiến đó lại không có.