Luật Phòng chống rửa tiền 2012 (có hiệu lực từ 1/1/2013) cùng với Bộ luật Hình sự (BLHS), Luật Phòng, chống tham nhũng đã góp phần tích cực vào việc làm minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Đặc biệt, trong đó phải kể đến việc BLHS sửa đổi năm 2009 đã bổ sung thêm tội “Rửa tiền” để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống loại tội phạm mới này và đáp ứng yêu cầu của cải cách, hội nhập. Tuy nhiên, nghịch lý là điều luật về tội rửa tiền hầu như bị bỏ hoang trong khi tình trạng vi phạm trên thực tế khá nhiều.
Sắp xét xử vụ rửa tiền đầu tiên
Vào ngày 16/2 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Cty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines). Trong vụ án này, bị cáo Giang Văn Hiển (67 tuổi, ở TP HCM) bị cáo buộc về hành vi giúp sức cho con trai là Giang Kim Đạt (SN 1977, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines) tham ô số tiền hơn 259,5 tỷ đồng. Cụ thể, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt nhờ Giang Văn Hiển mở 22 tài khoản ngoại tệ nhận và rút tiền “hoa hồng”.
Số tiền phi pháp trên được Giang Kim Đạt đầu tư vào bất động sản trong nước và chuyển tiền ra nước ngoài. Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản, phong tỏa và kê biên 40 bất động sản trong nước gồm đất, nhà chung cư, biệt thự và một số bất động sản tại Singapore, căn hộ chung cư tại Anh…
Trên thực tế, tội phạm rửa tiền không phải là loại hình mới tại Việt Nam, nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an từng cho biết, vụ án Giang Kim Đạt là điển hình của tội phạm tham nhũng và rửa tiền, rất ít khi áp dụng tại Việt Nam.
Theo quy định tại BLHS năm 1999, loại tội phạm này được quy định tại Điều 251 - Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có, nhưng đến BLHS sửa đổi (năm 2009), thuật ngữ “rửa tiền” mới chính thức được đưa vào sử dụng. Khái niệm rửa tiền được mô tả cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 7/6/2005 về phòng, chống rửa tiền.
Theo đó, rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau: tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có.
Như vậy, khung pháp lý đã có, nhưng việc thực thi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc truy tố và đưa ra xét xử tội phạm về rửa tiền rất hiếm do nhiều nguyên nhân và phải tìm giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này.
Vì sao “khó xử”?
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế tội phạm rửa tiền bị bỏ lọt, hoặc chưa bị xử lý, hoặc hành vi rửa tiền nhưng được xử lý bằng một tội danh khác nhẹ hơn, chẳng hạn như “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Trong đó, một trong những nguyên nhân là BLHS chưa quy định rõ khái niệm, yếu tố cấu thành tội rửa tiền, trong khi hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Trong BLHS, tội rửa tiền là tội rất nghiêm trọng, được quy định có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù. Tại khoản 1 Điều 251 quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó…
Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013. Cùng với BLHS, Luật Phòng chống tham nhũng, việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở nước ta. Đồng thời, đây cũng là hành động thiết thực để thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc đấu tranh chống lại tội phạm rửa tiền trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì quá trình thực hiện Luật này cũng hặp phải nhiều “rào cản” do người Việt Nam vốn dĩ chỉ quen xài tiền mặt và hạn chế việc giao dịch, thanh toán qua ngân hàng. Trong khi hiện nay chúng ta lại đang thiếu một cơ chế quản lý tiền mặt rõ ràng nên khó có thể làm minh bạch nguồn gốc các khoản tiền. Đây là việc cần phải cải thiện nếu muốn nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, để Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 sớm đi vào cuộc sống, việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và việc triển khai thực hiện Luật của các bộ, ngành liên quan, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có vai trò rất quan trọng. Cùng với đó, cần phải có hướng dẫn cụ thể Điều 251 BLHS về tội rửa tiền để chấm dứt tình trạng điều luật “treo”, xử lý nghiêm loại tội phạm rửa tiền, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia trong tình hình mới.