* Thêm 4 người chết, mất tích do lũ
* Chủ tịch tỉnh có công điện khẩn.
Tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng, đồng bằng thì bị ngập sâu trong nước, số người chết ngày một tăng lên...
Tại cây U, TP.Tam Kỳ, người dân phải "lụy" xe bò để đi |
Theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống lụt bão Quảng Nam, đến 18h hôm nay, có thêm 7 người chết do mưa lũ, gồm Đỗ Văn Việt (SN 1994, thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú, học sinh lớp 12-Trường PTTH Tiểu La - Thăng Bình), ông Võ Văn Lai (SN 1968, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn), ông Đinh Xuân Phước (chưa rõ tuổi, thôn Cẩm Vân Tây, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn), Nguyễn Quốc Vương (SN 1977, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn), Lê Út (SN 1970, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) và Lê Đức Việt (SN 1990, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn). Hiện em Trần Tiến (SN 1998, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) vẫn còn mất tích.
Theo ghi nhận, khoảng 6h ngày 8/11, nước lũ đã làm cho đoạn đường ĐT14E, gần khu vực cầu Tư Thiết (thuộc tổ 1, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), ngập sâu trong nước và đã cuối trôi em học sinh Lê Duy Hòa (học sinh lớp 5/2, trường Tiểu học Kim Đồng, Thị trấn Hà Lam), con của anh Lê Duy Hiền (trú tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) đang trên đường đi học.
Sau khi nhận được tin báo, gia đình, công an và chính quyền địa phương đã phối hợp tìm kiếm nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy thi thể em Hòa.
Trước đó, cô Trương Thị Nhân (31 tuổi, trú tổ 14 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), giáo viên dạy ngữ văn trường THCS A Vương (huyện Tây Giang, Quảng Nam) đi xe máy từ TP.Đà Nẵng lên huyện Tây Giang dạy thì bị nước lũ cuốn trôi tại Dốc Rùa (xã A Ting, huyện Đông Giang, Quảng Nam).
Đến 13h chiều nay 8/11, lực lượng công an cùng dân quân địa phương mới tìm được thi thể cô Nhân cách nơi bị nạn khoảng 150m.
Trong ngày 7/11, đã có 2 người chết và mất tích, nạn nhân là Nguyễn Hồng Trung (SN 1985, trú tại thôn Quảng Huệ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) đang trên đường đi về nhà bị nước lũ cuốn trôi và đã vớt được xác sáng cùng ngày, còn cháu Nguyễn Văn Thắng (học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm) bị lũ cuốn trôi tại suối Đá Vách thuộc địa bàn xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước bị nước cuốn trôi mất tích đến ngày 8/11 vẫn chưa tìm thấy xác.
Tính đến thời điểm này, số người chết do lũ tại Quảng Nam là 24 người (tính từ ngày 15/10 đến 8/11).
Theo dự báo của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, tình hình mưa lũ trên một số huyện miền núi như Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn và một số huyện khác dọc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Quảng Nam sẽ còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ để có những phương án phòng chống hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương với phương châm “4 tại chỗ”, kiểm tra và tổ chức di dời dân những vùng thấp trũng đến nơi an toàn, đưa đón người dân qua lại tại một số điểm bị ngập lũ; ngành giáo dục cũng chỉ đạo các trường nằm trong vùng ngập lụt cho học sinh nghỉ học.
Ông Trần Văn Mẫn, Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Có thêm 6 ngôi nhà của người dân ở thôn 2 xã Trà Mai, huyện Nam Trà My bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Chính quyền huyện Nam Trà My đã huy động lực lượng đưa người dân đến ở tạm trong nhà cộng đồng tránh lũ để bảo vệ tính mạng”.
Đoạn đường ngầm tại huyện miền núi Bắc Trà My đi Nam Trà My bị lũ cô lập nhiều ngày liền. |
Hiện nhiều thủy điện trên địa bàn xả lũ với lưu lượng lớn kèm theo mưa to kéo dài trên diện rộng khiến mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn lên nhanh vượt báo động III.
Lúc 2h sáng nay, lũ tràn qua quốc lộ 1A khiến ít nhất 7 điểm trên tuyến giao thông huyết mạch này bị ngập rất sâu, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn….
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng tổ chức tuần tra, chốt chặn 24/24 giờ tại các khu vực nguy hiểm.
Tại huyện miền núi Nông Sơn, do nước lũ lên nhanh khiến người dân huyện này trở tay không kịp. Toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn bị cắt nguồn nên người dân phải di tản trong đêm tối.
Trước tình hình nguy cấp, huyện Nông Sơn đã huy động tất cả lực lượng xuống ứng cứu giúp dân ở những vùng xung yếu sơ tán, di dời đồ đạc, người già, trẻ em đến nơi an toàn. Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có hơn 1.500 căn nhà bị ngập, hơn 7 nghìn người dân phải di dời khẩn cấp.
Tại TP.Tam Kỳ, nhiều đoạn đường bị ngập sâu trong nước, người dân phải dùng xe bò đưa khách qua lại chỗ ngập rất nguy hiểm với giá cắt cổ. Tại cây U, thuộc phường An Phú, TP.Tam Kỳ, mới sáng sớm nhưng đã có hàng chục chiếc xe bò, tranh nhau đưa khách vượt qua những đoạn ngập lũ, bất chấp sự ngăn cản của cơ qua chức năng.
Hiện mưa và nước trên các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục lên và diễn biến phức tạp. Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo khẩn cấp cho các cấp ngành chức năng phải tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm, nhất là những nơi dễ bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, đảm bảo cứu trợ cho nhân dân trong thời gian bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Nghiêm cấm các đò ngang, đò dọc không đảm bảo an toàn lưu thông trên các sông, suối, các hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu, chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm tránh bị tai nạn do đi lại trong mưa lũ.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, kiên quyết nghiêm cấm người và phương tiện đi lại những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, đồng thời tổ chức giúp đỡ, cứu trợ các hành khách bị kẹt xe ở những nơi bị ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch khác, có giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực này. Ngoài ra, phải huy động mọi lực lượng, phương tiện tại địa phương khẩn trương khắc phục, thông tuyến các đường giao thông trên địa bàn bị ách tắc do mưa lũ gây sạt lở.
Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để chỉ đạo ứng phó, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB tỉnh, Ban chỉ huy TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Đà Nẵng nhiều nơi ngập nặng, 2 người chết Tại Đà Nẵng, đã có 2 người chết là anh Lê Ngọc Sơn (SN 1976, quê huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, trú tại Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) chết đuối khi đi đón con, bị ngã xe, trôi xuống hồ Trường Loan và Anh Mai Quốc Lập (SN 1993, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) bị chết đuối do trượt chân ở mương nước 16m tại phường Hòa An; 1 người bị thương là chị Võ Thị Mai (trú xã Hòa Ninh, Hòa Vang) bị trụ điện ngã đổ gây tai nạn, hiện nay đang cấp cứu ở bệnh viện. Tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên và Hòa Bắc nơi có toàn bộ thôn bị ngập hoàn toàn, hầu hết các tuyến đường liên thôn bị ngập và bị chia cắt. Hiện nước lũ dã rút song còn chậm. Những hộ dân nhà bị thấp, ngập đều chạy qua nhà cao bên cạnh để tránh lũ. Các phương tiện di chuyển bằng thuyền, lốp xe…cũng hết sức hạn chế. Tại xã Hòa Phong, nhiều người dân lội bì bõm dưới nước ngập sâu hơn 0.5m để đi mua đồ ăn dự trữ. Theo cô Nguyễn Thị Hậu (thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), mức nước đêm qua tràn vào nhà cô cao hơn 1 mét, đến trưa nay dã rút nhưng vẫn còn bị ngập nặng. Theo ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của lũ lụt, TT Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện tổ chức họp Ban chỉ đạo để triển khai công tác phòng chống lũ lụt trên địa bàn huyện; Ban hành thông báo số 03/TB-BCH để thông báo về tình hình lũ lụt và tổ chức cho học sinh nghỉ học từ ngày 07/11/2011 nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Báo cáo của UBND quận Liên Chiểu cho biết, tình hình ngập úng cũng xảy ra trên diện rộng làm khoảng 2.270 hộ/8.187 khẩu bị ngập úng, hiện đã di dời 200 hộ/657 khẩu đến trú tại nơi an toàn. Hải Vân |
Trương Gia Hân