Ông cũng chính là người tìm ra cách thức mới để giúp thực phẩm đảm bảo an toàn khi con người ăn vào. Ông chính là Louis Pasteur - “cha đẻ ngành vi sinh vật học”.
Từ người nghệ sĩ trở thành nhà hóa học
Louis Pasteur sinh ngày 27/12/1822 tại Dole, ở vùng Jura của Pháp. Ông là con thứ 5 trong một gia đình có nhiều thế hệ là thợ thuộc da. Khi còn nhỏ, ông chỉ là một học sinh trung bình, cần mẫn và đam mê hội họa.
Tuy nhiên, cũng ngay từ khi còn là một cậu bé, ông đã có những bức họa gia đình mình một loạt những các bức chân dung giống như thật, cho thấy một con mắt quan sát sắc sảo, một người cực kỳ quan tâm tới độ chính xác và chi tiết.
Trong khi giáo viên ra sức ủng hộ Pasteur đi theo nghệ thuật, cha ông muốn con chuyên tâm vào việc học tập. Song, phải đến những năm cuối trung học, được các thầy cô khuyến khích, Pasteur mới bắt đầu thực hiện các nghiên cứu một cách nghiêm túc để bù đắp cho những thiếu sót trong học tập của mình hòng vào được trường École Normale Supérieure - trường đại học nổi tiếng ở Paris. Năm 1840, ông lấy được bằng cử nhân nghệ thuật, đến năm 1842 là bằng cử nhân khoa học trước khi lấy bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ năm 1847.
Pasteur bắt đầu sự nghiệp trong ngành hóa học khi vào làm việc tại trường Đại học Strasbourg. Ở tuổi 25, ông mang đến cho nền khoa học cống hiến quan trọng nhất của mình khi chứng minh các phân tử giống hệt nhau có thể tồn tại dưới dạng hình ảnh phản chiếu. Khám phá này của ông được đánh giá là một bước tiến cơ bản trong ngành vi sinh học, thúc đẩy sự phát triển các loại thuốc hiện đại và cả sự hiểu biết của con người về AND sau này.
Cuộc cách mạng trong y học
Trong suốt 2.000 năm kể từ thời Aristotle đến giữa thế kỷ 19, con người tin rằng sự sống xuất hiện một cách tự nhiên. Ví dụ, bọ chét sinh ra từ hạt bụi còn các sinh vật nhỏ như giòi, bọ tự đến từ xác chết. Việc này xuất phát từ việc người ta thấy rằng ở những nơi ao tù nước đọng hay trên xác động vật thối rữa ban đầu không hề có sinh vật nào nhưng sau đó lúc nhúc giòi, bọ.
Pasteur chính là người đã chứng minh rằng những suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm. Bằng thí nghiệm với một miếng thịt, Pasteur chứng minh được các loại vi sinh vật, vi trùng trong không khí chính là nguyên nhân khiến các dung dịch như nước đường, sữa, nước canh... bị hỏng và để bảo quản các dung dịch đó cần phải khử trùng.
Louis Pasteur đang thử nghiệm trên một con thỏ bị nhiễm chloroformed, khắc gỗ màu, năm 1885. |
Vào đầu thế kỷ 19, tại nhiều bệnh viện châu Âu, tỉ lệ tử vong ở sản phụ lên tới 1/3 do tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Năm 1844, bác sĩ Ignaz Philipp Semmelweis đã chứng minh được rằng sốt hậu sản là do lây nhiễm mà nguyên nhân vì các bác sĩ không rửa tay.
Theo Semmelweis, chính việc các bác sĩ đi thẳng từ phòng khám nghiệm tử thi những người đã chết vì sốt hậu sản tới phòng đỡ đẻ đã lây truyền vi khuẩn sang bệnh nhân mới và gợi ý rửa tay trước khi khám cho sản phụ nhưng không được tán thành.
Ở Mỹ, tiến sĩ Oliver Wendell Holmes cũng từng đưa ra đề nghị tương tự nhưng cũng bị các chuyên gia y tế chỉ trích. Phải đến khi Louis Pasteur xác nhận sự tồn tại của vi trùng và thiết lập nên những nguyên tắc quan trọng trong vô khuẩn thì “rửa tay” mới trở thành biện pháp bắt buộc để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Tỉ lệ tử vong hậu phẫu cũng như hậu sản kể từ đó đã giảm xuống một cách ngoạn mục.
Sau khi Pasteur gây tiếng vang với lý thuyết về vi trùng, ông được Vua Napoleon III giao cho xử lý một vấn đề mà ngành công nghiệp rượu vang của Pháp khi ấy đối mặt, đó là việc rượu rất hay bị hỏng trong quá trình vận chuyển.
Sau một loạt các thí nghiệm cẩn thận, Pasteur nhận thấy việc làm nóng rượu đến 55oC đã giết chết vi khuẩn mà không làm hỏng hương vị. Quá trình này về sau được gọi là tiệt trùng, đã cứu ngành công nghiệp rượu vang của Pháp, đồng thời khiến danh tiếng của Pasteur lan xa hơn. Quá trình tiệt trùng đến nay vẫn được áp dụng để bảo vệ thực phẩm khỏi bị hỏng.
Sau rượu vang, Pasteur tiếp tục cứu ngành công nghiệp tơ của Pháp nhờ phát hiện tằm bị bệnh do ký sinh trùng và khuyến cáo biện pháp cách ly, loại bỏ những cá thể mang bệnh.
Vượt lên nghịch cảnh
Năm 1849, Louis Pasteur kết hôn với bà Marie Laurent - con gái của Hiệu trưởng trường Đại học Strasbourg nơi ông giữ vị trí giáo sư Hóa học. Hai người có với nhau 5 người con nhưng chỉ có 2 người sống sót. Năm 1859, ông mất một con gái vì bệnh thương hàn - căn bệnh do nước uống và thức ăn bẩn gây ra. Năm 1865, ông mất thêm người con gái thứ 2 vì căn bệnh tương tự. Người con gái thứ 3 của ông cũng qua đời năm 1866 vì một khối u. Những mất to lớn ấy đã khiến Pasteur bị đột quỵ, liệt một nửa cơ thể bên trái từ năm 45 tuổi.
Song, không vì thế mà ông dừng những nghiên cứu của mình lại. Ngược lại, đối mặt với những mất mát cá nhân, ông càng lao đầu vào công việc với cường độ lớn hơn. Sống ở thời điểm mà trẻ nhỏ thường tử vong vì các bệnh truyền nhiễm, ông ra sức tìm tòi với hy vọng có thể ngăn chặn được tình hình.
Sau khi ông bị đột quỵ, các đồng nghiệp đã lập cho ông một phòng thí nghiệm di động để ông có thể làm việc từ chiếc giường bệnh của mình. Đầu tiên, Pasteur cùng đội ngũ của ông bắt tay nghiên cứu về bệnh tả gà bằng cách tiêm vi khuẩn tả vào đàn gà. Qua quan sát, với việc các con vật bị ốm nhưng không chết như bình thường, ông nhận ra rằng mầm bệnh yếu có thể giúp động vật tăng cường miễn dịch.
Tiếp sau đó, ông thực hiện thí nghiệm với bệnh đậu mùa. Một thế kỷ trước đó, Edward Jenner đã phát hiện ra rằng bệnh đậu mùa có thể giúp chống lại bệnh đậu mùa. Với phát hiện mới, Pasteur đã tìm ra cách tạo ra vắc-xin trong phòng thí nghiệm, đưa đến bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm.
Về sau, Pasteur nảy sinh ý định điều chế vắc-xin cho các bệnh khác. Sau khi nghiên cứu được vắc-xin bệnh than, ông tiếp tục với bệnh dại. Cuộc thử nghiệm vắc-xin bệnh dại đầu tiên trên người diễn ra thành công vào ngày 6/7/1885 dù vấp phải nhiều phản ứng rằng Pasteur vi phạm đạo đức nghề nghiệp do không có giấy phép hành nghề y.
Sau khi trình bày kết quả nghiên cứu về bệnh dại trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp vào ngày 1/3/1886, Pasteur đề nghị thành lập cơ sở sản xuất vắc-xin chống bệnh dại và nhanh chóng nhận 2 triệu franc Pháp tiền quyên góp. Đến năm 1888, Tổng thống Sadi Carnot cho xây dựng Viện Pasteur đầu tiên tại Pháp rồi mở rộng sang các vùng thuộc địa của nước này như Senegal, Bờ biển Ngà.
Một trong những thành công đầu tiên của Viện Pasteur là đưa đến bước đột phá trong cuộc chiến chống bệnh bạch hầu khi xác định cơ chế gây bệnh. Louis Pasteur điều hành Viện Pasteur Paris cho đến khi qua đời vào ngày 28/9/1895 ở tuổi 72. Thi hài ông được chôn cất ở Nhà thờ Đức Bà rồi chuyển sang trụ sở Viện Pasteur.
Ông được thế giới nhớ đến như một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa, là “cha đẻ ngành vi sinh vật”. Ông được UNESCO ghi vào danh sách “Ký ức Thế giới”, trở thành nhà khoa học thứ 4 trên thế giới nhận vinh dự này. Đến nay, các công trình nghiên cứu của ông vẫn tiếp tục cứu sống hàng triệu người trên thế giới.