Trong năm 2015, EVN đã xử lý được 3.500 tỷ đồng nhờ tối ưu hoá chi phí, tăng lợi nhuận, phần còn lại phải chuyển sang số dư chênh lệch tỷ giá và được phân bổ dần…
Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, năm 2015, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 143,68 tỷ kWh. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,94% thấp hơn 0,06% so với chỉ tiêu tại Quyết định số 854 và thấp hơn 0,55% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2014. Tổng chi phí SXKD điện năm 2015 là 234.736,14 tỷ đồng; giá thành SXKD điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh.
Chi phí SXKD điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành SXKD điện năm 2015. Doanh thu bán điện năm 2015 là 234.339,52 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến SXKD điện trong năm 2015 là 2.529,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động SXKD điện năm 2015 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2015 EVN lãi 2.132,74 tỷ đồng.
Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Deloitte Việt Nam), các chi phí chưa tính vào giá thành SXKD điện năm 2015 gồm: Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2015 của các công ty SXKD điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100%: TCty Truyền tải điện quốc gia; Công ty mẹ - TCty phát điện 1; Công ty mẹ - TCty phát điện 2; Công ty mẹ - TCty phát điện 3. Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2015 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Công ty Nhiệt điện Hải Phòng; CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh. Cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP HCM.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết, năm 2015 có yếu tố quan trọng đó là nhà máy thủy điện không đạt được sản lượng như kế hoạch, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm phải bù từ nhà máy nhiệt điện than, khí. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng giá thành, do chi phí mua điện từ nhiệt điện, tua bin khí cao hơn thủy điện…
Ông Tuấn thông tin thêm, theo quy định các chi phí xây dựng công trình phúc lợi như biệt thự, sân tennis... đều được sử dụng các nguồn quỹ phúc lợi của EVN, không được lấy từ hoạt động SXKD như từng có phương án dự kiến. Vì thế các khoản chi phí này không được tính vào giá thành SXKD điện trong năm 2015. Tuy nhiên, về khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, sẽ được hạch toán dần để đưa vào giá thành điện.
Chia sẻ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN, cho biết, năm 2015, chênh lệch tỷ giá gây gánh nặng tới 9.800 tỷ đồng cho EVN. Trong đó, việc giá dầu giảm đã đỡ được 5.000 tỷ đồng, còn gần 5.000 tỷ đồng EVN phải tự xử lý. Trong năm 2015, EVN đã xử lý được 3.500 tỷ đồng nhờ tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận, phần còn lại phải chuyển sang số dư chênh lệch tỷ giá và được phân bổ dần.
"Thông thường theo chế độ kế toán các khoản chênh lệch này phải hạch toán hết trong năm nhưng nếu đưa vào sẽ đẩy giá lên cao, nếu giá không lên cao sẽ bị lỗ. Chính vì vậy, EVN đã báo cáo xin cho phép được hạch toán dần trong vòng 5 năm theo hướng khi có điều kiện thì đưa vào giá điện, hoặc xử lý thông qua giảm giá thành…”, ông Tri nói