Cái mốc “cởi trói” thị trường hàng không dân dụng
Từ khi được thành lập năm 1984, hãng hàng không giá rẻ Ryanair lần đầu phải đối mặt với phong trào đình công nghiêm trọng. Vào giữa mùa cao điểm nhân viên tại 5 nước châu Âu rủ nhau bãi công. Cả trăm ngàn hành khách bị bỏ rơi hay bị trễ chuyến bay. Uy tín của tập đoàn Low Cost có trụ sở tại Ailen này với 117 triệu khách hàng phần nào bị sứt mẻ.
Bí quyết giúp cho tập đoàn trong tay tổng giám đốc Michael O'Leary, người nổi tiếng lãnh đạo với một “bàn tay sắt”, liên tục dẫn đầu trong ngành hàng không giá rẻ nằm ở chỗ Ryanair luôn tìm được những lối thoát hiểm để bật dậy.
Mô hình phát triển của Ryanair ra sao? Những bí quyết nào cho phép tập đoàn này thống lĩnh thị trường Low Cost trong ngành hàng không châu Âu? Những giới hạn và mặt trái của thành công rực rỡ đó?
Ryanair trải qua một mùa hè đầy sóng gió và dư âm kéo sang đến tận nay. Trong nhiều tuần lễ liên tiếp nhân viên bãi công tại 5 nước EU gồm Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào, Bỉ và Hà Lan, cùng một lúc. Cả 5 quốc gia này đều là những địa điểm du lịch hấp dẫn, hay là những "ngã tư quan trọng của mạng lưới hàng không quốc tế".
Trong hai tháng 7 và 8/2018, đã có 1.000 chuyến bay bị hủy. Trước đó, trong năm 2017 đã có 2.000 chuyến bay bị hủy, 270 ngàn hành khách trên nguyên tắc phải được bồi hoàn, nhưng tới nay Ryanair vẫn chậm trễ trong việc bồi thường đó và đang lãnh “búa rìu” của EU.
Hiện diện tại 37 quốc gia, với 2.000 chuyến bay mỗi ngày, vé bán ra với giá trung bình khoảng 40 euro giúp tập đoàn Low Cost này sau 34 năm hoạt động trở thành hãng máy bay lớn thứ nhì của châu Âu. Ryanair cũng là một con gà đẻ trứng vàng, lãi 1,5 tỷ euro trong năm qua.
Giáo sư kinh tế Benjamin Coriat giải thích, Ryanair được thành lập năm 1984 khi EU cởi trói cho thị trường hàng không dân dụng và mở ra thêm nhiều đường bay. Như nhiều tập đoàn hàng không giá rẻ khác, Ryanair đã tận dụng cơ hội này để thu hút khách hàng của các hãng máy bay đã hoạt động từ lâu đời.
Các hãng hàng không quốc gia châu Âu thời đó đã cậy thế độc quyền để đẩy giá lên trời. Ví dụ như hồi đầu thập niên 1990, giá vé máy bay từ Paris xuống thành phố Nice ở miền nam nước Pháp còn đắt hơn cả chuyến bay nối liền Paris - New York.
Hai yếu tố quan trọng
Vậy nhờ đâu mà các hãng Low Cost có thể bán vé máy bay với giả rẻ, đôi khi còn rẻ hơn cả vé tàu hỏa? Chuyên gia Benjamin Coriat giải thích: “Ban đầu, mô hình hàng không giá rẻ có nhiều lợi thế. Quan trọng hơn hết là hành khách có thể mua vé máy bay với giá rẻ. Để làm được việc này, thì các hãng Low Cost chú trọng vào hai điểm.
Thứ nhất là sắm máy bay đời mới nhất và thời gian sử dụng không quá lâu. Máy bay càng mới thì càng ít tốn xăng và càng tiết kiệm được các chi phí bảo quản. Nhờ vậy mà giá vé máy bay hạ thấp xuống hẳn.
Thứ hai là giảm bớt những dịch vụ không cần thiết trên máy bay. Chẳng hạn như xếp nhiều ghế hơn trên các chuyến bay, hay hạn chế các phí tổn không cần thiết như là mời hành khách giải khát... Những dịch vụ đó vẫn có trên máy bay nhưng kèm theo một khoản phụ trội để được phục vụ. Thực ra với những chuyến bay không quá dài thì chuyện ngồi chật một chút hay thiếu nước giải khát không là một vấn đề đối với hành khách.
Ở giai đoạn đầu có thể nói là các tính toán cắt giảm chi tiêu của những hãng hàng không giá rẻ có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng rồi các hãng Low Cost đã đẩy mạnh mô hình quản lý đó để kiếm lợi. Từ đó nảy sinh những khía cạnh tiêu cực trong mô hình hàng không giá rẻ”.
Ông Benjamin Coriat nêu lên những cách khác nhau để các công ty lách luật thuế khóa, luật lao động, và nhất là lợi dụng nhân viên: “Từng bước những tập đoàn này tận dụng những kẽ hở trong luật pháp tại châu Âu. Có các hãng hàng không khai thác những sơ hở trong luật hàng không dân dụng của châu Âu và họ tận dụng tối đa mô hình kinh tế toàn cầu. Ở đây không chỉ có hành khách mà cả các nhân viên của các hãng Low Cost cũng bị bóc lột.
Thứ nhất các hãng Low Cost mở địa bàn hoạt động tác các địa điểm xa trung tâm thành phố, xa các thành phố lớn. Như vậy các thị trấn nằm cách xa những thành phố lớn, đua nhau chào mời những hãng Low Cost về đây hoạt động, để đem lại công việc làm cho người dân địa phương.
Thường thì trong trường hợp này, các hãng hàng không giá rẻ nói chung, đàm phán chặt chẽ với các giới chức địa phương để ép giá, để hưởng lợi tối đa.
Hành khách chờ tại phi trường vì nhân viên hãng Ryanair đình công |
Chiến thuật thứ nhì là cắt giảm tối đa những các khoản đóng góp xã hội phải nộp cho chính quyền tại quốc gia mà họ mở chi nhánh. Các hãng Low Cost chọn đặt trụ sở và mở địa bàn hoạt động tại nước nào có chính sách thuế khóa lợi nhất cho các doanh nghiệp, có luật bảo vệ người lao động lỏng lẻo nhất.
Có như vậy mới có thể tuyển dụng nhân viên cũng với giá rẻ và với những điều kiện bảo vệ người lao động tối thiểu nhất. Chưa kể là các hãng Low Cost còn tuyển dụng nhân viên theo hợp đồng trả theo giờ, xem mỗi nhân viên như là một "hãng gia công". Nhờ vậy mà hãng hàng không giá rẻ tiết kiệm được tất cả những khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã mà chủ phải đài thọ.
Mũi nhọn thứ ba của các hãng Low Cost là tận dụng các “thiên đường thuế”.
Tương lai nào cho các hãng Low Cost?
Câu hỏi kế tiếp là tại sau mô hình quản lý của Ryanair, và một số tập đoàn hàng không giá rẻ, sau hơn 30 năm hoạt động nay lại bị phản đối mạnh mẽ và liệu có nguy cơ bị đe dọa hay không? Ông Benjamin Coriat trả lời: “Một số hãng hàng không giá rẻ đã đi quá đà khi khai thác và lạm dụng những lợi thế về thuế khóa, về chính sách lao động ...
Từ đó dẫn tới hàng loạt các cuộc đình công từ năm ngoái và đã kéo dài đến mùa thu năm nay. Dù có lập trường rất cứng rắn nhưng cuối cùng, tập đoàn Ryanair cũng đã phải nhượng bộ bởi nhiều lý do.
Một là, ngành hàng không đang phát triển rất mạnh, các hãng máy bay rơi vào tình trạng thiếu phi công. Để giữ nhân viên, Ryanair bắt buộc phải tăng lương cho các cơ trưởng, lái phụ và cả các tiếp viên.
Trong từ 10 đến 15 năm nữa, sẽ thiếu người, việc tuyển dụng nhân viên càng khó khăn hơn. Giới hạn thứ nhì là uy tín của Ryanair đang bị sứt mẻ vì các đợt đình công liên tiếp. Hãng này sẽ phải bồi thường cho hành khách, và bị thất thu khá nhiều, nên sớm hay muộn thì tập đoàn hàng không giá rẻ này cũng phải điều chỉnh lại cung cách làm ăn.
Hai trong số những nhượng bộ quan trọng là lần đầu tiên ban quản trị đã mời đại diện công đoàn cùng ngồi vào bàn đàm phán về điều kiện an toàn và làm việc của nhân viên Ryanair, và hai là tăng 20% lương cho phi công.
Một yếu tố khác khiến vị thế của Ryanair trong ngành hàng không giá rẻ bị đe dọa, là ngay chính các tập đoàn truyền thống của châu Âu như là Air France - KLM hay Lufthansa của Đức, cũng mở hẳn một chi nhánh Low Cost.
Sau cùng về bí quyết giúp hãng hàng không giá rẻ của Ailen này chiếm thế thượng phong tại châu Âu là Ryanair luôn có nhiều là bài trong tay. Để lấy lại lòng tin của khách hàng, Ryanair vừa tung ra thị trường một triệu vé may bay với giá chưa đầy 10 euro. Kế tới là vào lúc giá dầu đang tăng lên trở lại, chủ tịch tổng giám đốc O'Leary không che giấu hy vọng những đối thủ yếu kém nhất của Ryanair trong số các hãng Low Cost khó tồn tại được lâu dài.
Sau cùng, chủ trương của Ryanair là dù gặp khó khăn, vẫn tiếp tục sắm thêm máy bay mới để tiết kiệm xăng dầu và ít phải bận tâm về khâu bảo quản 456 chiếc máy bay đang hoạt động. Ryanair vừa đặt mua thêm 141 chiếc máy bay mới của Boeing.