An toàn giao thông tại Việt Nam vẫn là bài toán khó
Sở dĩ nói vậy, vì theo thống kê trong năm 2007, cả nước có đến 12.800 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông (TNGT), trong 11 tháng đầu năm 2016, số người thiệt mạng vì TNGT là 7.907 người, trung bình mỗi ngày có 24 người chết và 60 người thương tật suốt đời vì TNGT. Tuy con số này đã liên tục giảm trong những năm qua nhờ vào sự quyết liệt của tất cả các cơ quan chức năng, nhưng vẫn cho thấy một thực tế là số người thiệt mạng về TNGT vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung nhiều nước trên thế giới và những thiệt hại to lớn mà TNGT gây ra đối với sinh mạng, sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn.
Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Tiêu biểu như mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển nhanh chóng với hơn 292.000km đường bộ, hơn 13 hầm và khoảng 800km đường cao tốc. Mặc dù có sự cải thiện đáng kể nhưng bài toán về an toàn giao thông tại Việt Nam vẫn đã và đang rất hóc búa với nhiều nhà quản lý bởi theo thống kê hiện cả nước có 47 triệu xe máy, khoảng 3 triệu chiếc ô tô và gần 5 triệu chiếc xe đạp trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa có bước phát triển thực sự đột phá…
Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Mỗi ngày Việt Nam vẫn có khoảng 24 người chết và gần 60 người bị thương do tai nạn giao thông. Mỗi buổi sáng hay buổi chiều, dòng người ùn ứ ở cửa ngõ ra vào thành phố tại Hà Nội hay TP HCM và hàng chục chuyến bay bay vòng nhiều lần trên bầu trời chờ đợi được hạ cánh tại các sân bay. Thực tế này đòi hỏi nước ta phải thực hiện các giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xây dựng thể chế, có các giải pháp kiềm chế và đảm bảo an toàn giao thông”.
Khốn khổ vì nghịch lý xe – đường
Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016 bao gồm 8 chủ đề, trong đó vấn đề làm gì để ngăn “thảm hoạ giao thông” ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn được nhiều người quan tâm bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia các giải pháp đã và đang áp dụng tại các thành phố lớn có phần dàn trải, thiếu trọng tâm nên chưa thể thành thành phố khỏi ùn tắc.
Trình bày tham luận chủ đề “Ùn tắc giao thông ở Hà Nội và các thành phố lớn Việt Nam, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” GS. TSKH. Silianov V.V. - Đại học giao thông đường bộ Moscow và TS. Đào Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Thông tin Viện Khoa học và Công nghệ GTVT chỉ ra nguyên nhân ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn nhất nước Hà Nội và TP HCM.
Theo thống kê, TP HCM có 3.897 con đường, với chiều dài khoảng gần 3.600 km nhưng gần 70% số con đường này có chiều rộng nhỏ hơn 7m, có tới 4.306 nút giao thông chủ yếu là đồng mức, chỉ có 16 nút có cầu vượt. Trong khi đó, tổng số phương tiện do thành phố quản lý lên 467.258 xe ô-tô và 4.709.040 xe gắn máy, chưa nói đến các phương tiện giao thông khác đăng ký ở tỉnh bạn nhưng vẫn thường xuyên tham gia lưu thông. Còn tại Hà Nội, hiện có 1714km đường, 275 cầu, 16 hầm đi bộ... nhưng tổng số phương tiện lên tới 3,7 triệu mô tô, xe máy, gần 400.000 xe ô tô chưa kể 50.000 phương tiện vãng lai. Nghịch lý xe – đường (hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, sự tăng nhanh của phương tiện giao thông) khiến tình trạng ùn tắc của cả hai thành phố ngày càng nghiêm trọng…
Trả lời câu hỏi lời giải nào cho bài toán “nghịch lý xe – đường ”, hai chuyên gia GS. TSKH. Silianov V.V. và TS. Đào Huy Hoàng cho rằng để tạo bước đột phá, hai chuyên gia này cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn như di dời các trường, cơ quan có quy mô lớn về tổ chức ra khỏi phạm vi vành đa, kiểm soát cấp phép đầu tư xây dựng các tòa nhà cao tầng, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân…
Bên cạnh đó, các chuyên gia này cho rằng có thể áp dụng thêm phương án tạm thời là điều chỉnh giờ làm việc trước khi di dời các tổ chức ra ngoài vành đai III. Trong đó, hai nhóm đối tượng chính trong các đô thị lớn có thể điều chỉnh giờ làm và ảnh hưởng tới ùn tắc là các cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động và học sinh sinh viên của các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học..
Hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, sự tăng nhanh của phương tiện giao thông khiến tình trạng ùn tắc của cả các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng.