Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Quân đội ta tròn 20 tuổi

Trước lúc đi xa, Bác Hồ căn dặn nhiều điều quý báu, gửi gắm nhiều thông điệp cho thế hệ mai sau. Trong Di chúc, Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Thật xúc động biết bao, được Bác Hồ nhắc đến và “để lại muôn vàn tình thân yêu” có cán bộ, chiến sĩ quân đội. Vì hơn ai hết, là người sáng lập, rèn luyện, giáo dục và dìu dắt Quân đội ta ngay từ những ngày đầu thành lập, Bác Hồ thấu hiểu sự gian khổ, hy sinh to lớn của bộ đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước (1945-1969), mặc dù bận trăm công nghìn việc lo cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, nhưng Bác Hồ đã dành nhiều tâm sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục quân đội từ việc lớn đến việc nhỏ. Trong đó, Người từng căn dặn trong buổi chúc mừng Quân đội ta tròn 20 tuổi vào ngày 22 tháng 12 năm 1964: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tầy, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công. Lên mười tuổi thì cùng toàn dân giành được thắng lợi lớn Điện Biên Phủ, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp được Mỹ giúp sức”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra đội quân chủ lực đầu tiên của các lực lượng vũ trang - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - ngày 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Việt Bắc thuộc tỉnh Cao Bằng. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn Đội đã long trọng đọc Mười lời thề danh dự thể hiện lòng trung thành đối với Tổ quốc, với Đảng, sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, hết lòng phục vụ Nhân dân. Mười lời thề danh dự của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã trở thành lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh. Quân đội ta được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn vững vàng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, hy sinh phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vai trò là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng lá cờ thêu dòng chữ: “Trung với nước, hiếu với dân”; cho các học viên khóa I của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (22/4/1946). Ảnh: TTXVN

Thực hiện theo lời Bác dạy: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với Nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và đầy hy sinh gian khổ, lập nên những chiến thắng quan trọng, quyết định sự tồn vong của dân tộc như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, cuộc chiến chống tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho dân tộc.

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Không chỉ chiến đấu giải phóng dân tộc mình, Quân đội ta còn sát cánh với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia cùng chống kẻ thù chung, vì độc lập, tự do của mỗi nước. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vừa kết thúc thắng lợi, Quân đội ta lại bước vào cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, để lại những hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân Campuchia...

Những chiến công chói lọi mà Quân đội nhân dân Việt Nam giành được cũng là chiến công của Nhân dân ta, dân tộc ta, gắn liền với những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, có ý nghĩa quốc tế và thời đại sâu sắc, mãi mãi là bản hùng ca bất hủ, là mốc son vàng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Với truyền thống vẻ vang và những chiến công vang dội đó, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Trong lời căn dặn của Người, Quân đội ta “Mới ra đời, với gậy tầy, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công. Lên mười tuổi thì cùng toàn dân giành được thắng lợi lớn Điện Biên Phủ, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp được Mỹ giúp sức” chứa đựng cả niềm tự hào, sự tin tưởng mãnh liệt về tương lai lớn mạnh, vẻ vang của Quân đội ta.

Không phụ lòng mong mỏi, tin yêu và công lao to lớn của Người, theo năm tháng trưởng thành, Quân đội ta ngày càng lớn mạnh. Cùng với sự phát triển của đất nước, chức năng và nhiệm vụ của Quân đội có những bước phát triển mới, yêu cầu ngày càng cao nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân trong mọi tình huống.

Từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến công cuộc đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,… của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội luôn khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội, từ 34 chiến sĩ đầu tiên trong “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” thành lập giữa núi rừng Việt Bắc trong những ngày sục sôi cách mạng, từ các tướng lĩnh xông pha trận mạc, cầm quân đánh giặc suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã qua, và trong số họ đã có không ít các bậc danh tướng được lịch sử tôn vinh… cho đến các thế hệ tiếp nối, trưởng thành trong hòa bình và xây dựng, trong đổi mới và hội nhập hiện nay, ai ai cũng tự hào về truyền thống vẻ vang, oanh liệt của Quân đội ta. Đã từ lâu, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành niềm kiêu hãnh của quân đội, của mỗi quân nhân cách mạng và của toàn dân.

Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 có tốc độ, phạm vi lây nhiễm và tỷ lệ tử vong chưa từng xảy ra trong lịch sử, gây thiệt hại nặng nề trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của mọi quốc gia, dân tộc. Trước thực tế đó, với tinh thần chống dịch như chống giặc, cả dân tộc lại bước vào trận chiến mới với một kẻ thù vô hình, chưa có tiền lệ.

Ý thức cao về nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 khi Việt Nam bước vào giai đoạn quyết định của cuộc chiến chống dịch với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng các cấp, các ngành và toàn dân tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm chiến thắng đại dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Những cán bộ, chiến sĩ luôn đi đầu, hăng hái thực hiện nhiệm vụ và anh dũng hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc, của mỗi người dân góp phần lan tỏa hình ảnh cao quý, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, đó cũng là kết quả của việc học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù.

Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng như dân tộc Việt Nam. Trong gian khó ngặt nghèo mới thấm thía tình quân - dân như cá với nước, qua thử thách chông gai mới hiểu được Quân đội ta là quân đội anh hùng, không chỉ hy sinh trong chiến tranh, trong bom đạn, không chỉ hy sinh trong mưa lũ thiên tai, địch họa, để Nhân dân được bình an yên ổn, mà ngay trong những ngày khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, những cán bộ, chiến sỹ chủ động ra quân, trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu.

Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, ngày đêm chăm sóc, hỗ trợ người dân cách ly tập trung, dù đêm hay ngày, dù nắng hay mưa, sẵn sàng đối mặt với những rủi ro, khả năng lây nhiễm cao của bệnh dịch, đe doạ tính mạng bản thân, gia đình. Với tinh thần, “nhường cơm, xẻ áo”, nhiều đơn vị quân đội đã tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất để người dân yên tâm cách ly.

Những bức tâm thư, những dòng lưu bút, nhật ký, những câu chuyện được viết bằng thơ, bằng hình ảnh và những dòng cảm xúc tốt đẹp của người dân trong khu cách ly chính là sự ghi nhận chân thực và sinh động nhất về những đóng góp của người cán bộ, chiến sỹ anh hùng.

Có thể nói, trong suốt chặng đường 77 năm qua, dưới sự chăm lo, giáo dục, rèn luyện, dìu dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hết lòng cống hiến, hy sinh và làm tròn nhiệm vụ vẻ vang, bổn phận thiêng liêng đối với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân.

Tiếp bước con đường, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác đã lựa chọn, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đó không chỉ là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng, mà còn là tình cảm, tấm lòng son sắt của mỗi cán bộ, chiến sĩ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xứng đáng là “quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng” như lời Người khẳng định.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...