Loại thông tin dữ liệu dân cư nào sẽ được cung cấp?
Điểm a khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định mức phí áp dụng đối với khai thác dữ liệu tổng hợp dân cư gồm: Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp tỉnh, thành phố: 250.000 đồng/báo cáo; Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp quận, huyện: 200.000 đồng/báo cáo; Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp xã, phường, thị trấn: 150.000 đồng/báo cáo.
Theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, quy định trên cần xem xét ở một số điểm. Thứ nhất, mức phí được tính dựa trên “báo cáo” nào, bởi theo giải trình trong Thuyết minh kèm theo Dự thảo thì các dữ liệu thống kê tổng hợp về dân cư tập trung vào. “Như vậy, với thông tin này thì các mức phí trên được tính trên cơ sở “báo cáo” là tổng hợp dữ liệu của tất cả 07 báo cáo cho mỗi cấp hành chính hay là mỗi báo cáo trong 07 báo cáo?” – văn bản của VCCI nêu.
Cũng theo nội dung trong Thuyết minh thì “hiện nay nhu cầu của các công dân và doanh nghiệp chỉ tập trung vào 07 báo cáo…”. Như vậy, có thể hiểu, thông tin trong báo cáo tổng hợp dữ liệu về dân cư sẽ được cung cấp dựa vào nhu cầu thực tế này. Tuy nhiên, cách tiếp cận về các thông tin dữ liệu được cung cấp như giải trình dường như chưa hợp lý ở điểm, ngoài những thông tin mà thực tế người dân và doanh nghiệp có nhu cầu khai thác thì những thông tin nào khác dân?
“Đứng dưới góc độ là chủ thể cung cấp thông tin, Nhà nước cần phải cho doanh nghiệp và người dân nhận biết những thông tin dữ liệu nào về dân cư có thể khai thác và sử dụng và dựa vào thông tin này họ có thể đề nghị Nhà nước cung cấp các thông tin dựa vào nhu cầu vốn rất đa dạng của mình” – VCCI góp ý.
Đã có “khai thác dữ liệu chi tiết dân cư”, có cần “xác minh nhân thân”?
Điểm b khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định mức phí khai thác dữ liệu chi tiết dân cư: 800 đồng/01 thông tin về công dân, “căn cứ vào nhu cầu khai thác chi tiết dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quyết định và cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác số lượng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân”.
Ngay tiếp đó, điểm c khoản 1 Dự thảo quy định mức phí dịch vụ xác minh nhân thân: 10.000 đồng/ bản
Theo VCCI, quy định này cần xem xét ở một số điểm. Thứ nhất, sự khác nhau giữa “khai thác dữ liệu chi tiết dân cư” và “xác minh nhân thân” là gì, bởi theo quy định tại Dự thảo thì “dữ liệu chi tiết dân cư” là các thông tin cơ bản của một công dân. “Xác minh nhân thân” theo giải trình tại Thuyết minh cũng là cung cấp các thông tin liên quan đến nhân thân, bao gồm 15 thông tin cơ bản quy định tại Luật Căn cước công dân. Như vậy, xét về bản chất, “khai thác dữ liệu chi tiết dân cư” và “xác minh nhân thân” là trùng nhau về các thông tin khai thác. “Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về “xác minh nhân thân” quy định tại điểm c khoản 1 Dự thảo” – các chuyên gia của VCCI đề xuất.
Thứ hai, về căn cứ để xác định mức phí, theo quy định tại Dự thảo cũng như giải trình tại Thuyết minh, thì mức phí “khai thác dữ liệu chi tiết dân cư” được xác định dựa trên số thông tin trong 15 thông tin cơ bản của công dân được cung cấp, còn “xác minh nhân thân” lại được tính trên cơ sở “bản” – có thể bao gồm một hoặc nhiều thông tin cơ bản của cá nhân.
Có thể thấy, hai thông tin được cung cấp có tính chất tương tự như – đều dựa vào thông tin cơ bản của một công dân, nhưng cách tính phí lại khác nhau. Hơn nữa, việc Dự thảo xác định mức phí “khai thác dữ liệu chi tiết dân cư” dựa trên số lượng thông tin cá nhân được cung cấp dường như chưa hợp lý. Bởi vì, việc truy xuất 01 thông tin hay 15 thông tin của mỗi cá nhân cho một lần cung cấp thì các chi phí cho hoạt động này gần như tương tự nhau. Do đó, VCCI cho rằng, “để đảm bảo tính phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh căn cứ tính mức phí “khai thác chi tiết dân cư” dựa trên “số lần” cung cấp”.
“Bí mật đời tư của công dân” là gì?
Thứ ba, dự thảo quy định “Căn cứ vào nhu cầu khai thác chi tiết dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quyết định và cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác số lượng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân”. Quy định này có một số điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, căn cứ sẽ là “nhu cầu khai thác” hay “quy định của pháp luật” hay cả hai? “Phù hợp quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân” hay “phù hợp quy định của pháp luật về đảm bảo bí mật đời tư của công dân”?
“Dù câu trả lời là gì thì các căn cứ này vẫn là rất rộng và mơ hồ bởi “nhu cầu khai thác” là không có giới hạn và pháp luật hiện chưa có bất kỳ định nghĩa nào về “bí mật cá nhân” (chú ý Bộ luật Dân sự 2015 chỉ đề cập tới “bí mật cá nhân”, không phải “bí mật đời tư của công dân”, và cũng không định nghĩa khái niệm này)” – văn bản của VCCI nêu rõ.
Vì thế, VCCI cho rằng, cách quy định thiếu rõ ràng này có thể tạo ra dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu từ cán bộ thực thi (do không có tiêu chí cụ thể nào để quyết định chấp nhận hay từ chối cho tiếp cận thông tin), gây ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng khai thác, đồng thời có thể dẫn tới những hệ quả bất lợi đối với cá nhân có thông tin bị khai thác.
Hơn nữa, về thẩm quyền, quy định ở đây không rõ là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép việc tiếp cận thông tin hay quyết định số lượng thông tin cho phép tiếp cận?
Về mặt pháp lý, các quy định liên quan tới căn cứ và phạm vi cho phép tiếp cận thông tin cá nhân này là rất quan trọng, cần thiết phải làm rõ tới từng chi tiết. Tuy nhiên, các quy định này cần được nêu trong một Thông tư hướng dẫn Luật Căn cước công dân (Thông tư về nội dung) chứ không phải trong khuôn khổ một Thông tư về phí như Dự thảo.
“Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này khỏi Dự thảo, đưa vấn đề này vào Thông tư hướng dẫn Luật Căn cước công dân, trong đó cần làm rõ các quy định này, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về căn cước công dân, về bí mật cá nhân, bảo đảm tính minh bạch, công bằng” – VCCI đề nghị.