“Hiện tượng mạng” được tung hô
Trong Lễ Trung thu, phát quà cho các em học sinh ở một trường dân tộc bán trú thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái) năm 2023, một nhân vật được xem “có tiếng” trên mạng xã hội là Phú Lê đã xuất hiện phản cảm trong trang phục giống hoàng đế ngoại quốc. Phú Lê từng tham gia đóng một số video âm nhạc hay phim ngắn về đề tài giang hồ với nhiều cảnh quay bạo lực. Tháng 8/2020, người này bị công an bắt giữ để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích do có liên quan đến việc hành hung 2 người phụ nữ lớn tuổi tại huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Trong các clip và hình ảnh lan truyền còn có một người đàn ông trong bộ vest đen nhảy múa phụ họa, được xác định là hiệu trưởng của trường. Nhiều phụ huynh và dư luận bức xúc cho rằng tiết mục trên không nên được biểu diễn trước các em học sinh, trong môi trường sư phạm.
Còn nhớ năm 2019, mạng xã hội xôn xao hình ảnh của Ngô Bá Khá (tức Khá “bảnh”, sinh năm 1993, ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) xuất hiện gần một trường THPT ở TP Yên Bái và được học sinh vây kín xin chụp ảnh, chữ ký, chào đón... như một ngôi sao khiến nhiều người quan ngại khi giới trẻ đang thần tượng một đối tượng có những hành vi lệch chuẩn. Mặc dù nhiều lần vi phạm pháp luật và đã bị xử phạt tù nhưng Khá “bảnh” lại được nhiều học sinh, sinh viên biết đến thông qua các clip bạo lực, lối sống lệch chuẩn qua mạng xã hội.
Lo ngại học sinh “lệch chuẩn”
TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên chia sẻ với truyền thông, hành động của “hiện tượng mạng” như Khá “bảnh” có thể làm ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, lối sống của học sinh: Các bạn trẻ chưa đủ chín chắn, nhận thức để phân biệt những hành động phản cảm, trái ngược thuần phong mỹ tục. Khi tiếp xúc hình ảnh, lời nói mang tính chất lệch chuẩn như vậy, nếp nghĩ và hành vi của học sinh cũng có thể bị ảnh hưởng.
Khá “bảnh” trong một lần được nhiều bạn trẻ vây quanh chụp hình. (Nguồn: Internet) |
TS Vũ Thu Hương - chuyên gia Tâm lý giáo dục cho rằng, những đoạn clip khoe hình xăm trổ, đòi nợ thuê, hù dọa thanh trừng lẫn nhau, văng tục, chửi thề... của một số “hiện tượng mạng” có thể cổ động trẻ con làm việc xấu nếu bản thân những đứa trẻ có sẵn tư tưởng làm việc xấu. Đứa trẻ có thể đã muốn làm việc xấu nhưng chưa dám làm vì sợ cái này, cái kia, đến khi xem những clip của các đối tượng trên thì nghĩ có thể làm được và dám làm. “Đây thật sự là một hiện tượng đáng báo động cho tầm văn hóa và ứng xử của giới trẻ. Dường như trẻ không biết hoặc không muốn chấp nhận những chuẩn mực đạo đức, bị hấp dẫn với những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc sa ngã, đi vào con đường vi phạm pháp luật có thể được bắt đầu từ những ảnh hưởng xấu này” - TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Một thực tế đáng buồn, mạng xã hội thời gian qua liên tiếp xuất hiện các clip học sinh các trường THCS, THPT ở một số địa phương đánh nhau ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường. Các vụ bạo lực học đường gây cú sốc lớn đối với phụ huynh và toàn xã hội khi mọi người thường nghĩ rằng các em đến trường đều chuyên tâm học hành, được đùm bọc trong sự thương yêu của thầy cô, bạn bè.
Qua các vụ việc trên, có thể thấy nếu không có sự định hướng kịp thời của gia đình, nhà trường thì các em thanh, thiếu niên vốn có tâm lý thích thể hiện nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, rất dễ bị sa đà, ngập sâu vào sự “lệch chuẩn” và có hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả khôn lường.
Hơn ai hết, các trường học cần tuyên truyền những hành vi sai trái, lệch lạc, vi phạm pháp luật của các “hiện tượng mạng” nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh vào các buổi sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp hay hoạt động ngoại khóa. Các trường cần tổ chức tốt hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học, công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật... Việc làm này sẽ giúp học sinh có nhận thức đúng, biết lên án và “tẩy chay” những hành vi và biểu hiện trái đạo đức, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.