“Chợ” dầu trên biển
Lúc 7h ngày 14/8, tại khu vực thuộc vùng biển Tây Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển phát hiện và bắt quả tang tàu Diamond Satu 18 đang cặp mạn với tàu cá BV-99977-TS chuẩn bị sang bán dầu trái phép.
Tàu Diamond Satu 18 mang quốc tịch Mông Cổ, thuộc sở hữu của Công ty Black Blade (Panama), do Công ty Saudagar Malaya Resources (Malaysia) mà trực tiếp là ông Ooi Yew Hoat quản lý điều hành. Theo điều tra của Cảnh sát Biển, từ cuối tháng 7 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, tàu này đã bán trên 400.000 lít dầu DO cho các tàu Việt Nam, trong đó tàu BV-99977-TS đã 3 lần nhận dầu với số lượng 303.000 lít.
Trên tàu Diamond Satu 18 có 8 thuyền viên, đều là người Việt Nam, lên tàu bằng nhiều con đường khác nhau: 3/8 người xuất cảnh sang Malaysia bằng đường hàng không từ tháng 4, tháng 5/2015, đến cảng Johor gặp và được Ooi Yew Hoat tổ chức đưa lên tàu; 5/8 người còn lại được các môi giới khác nhau giới thiệu và đưa ra biển bằng tàu cá từ Tiền Giang để lên tàu Diamond Satu 18 làm việc. Ông Ooi Yew Hoat và các thuyền viên đang làm việc trên tàu không cung cấp được giấy tờ hợp pháp đối với người Việt Nam đang lao động trên tàu nước ngoài và giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Tàu BV-99977-TS là tàu cá của ông Phạm Văn Thái ở Gò Công Đông, Tiền Giang, mua lại từ tháng 7/2015 nhưng chưa làm thủ tục đăng kiểm, đăng ký lại. Sau khi mua, ông Thái không sử dụng tàu cá trên đánh cá mà dùng vào mục đích nhận dầu từ tàu nước ngoài để cung cấp cho đoàn tàu đánh cá của gia đình và người thân.
Đến khi bị phát hiện, bắt giữ, tàu BV-99977-TS đã 3 lần nhận dầu từ tàu nước ngoài với số lượng trên 300.000 lít. Ông Phạm Văn Thái cũng đã 3 lần trả tiền cho các đối tượng bên ngoài với số lượng 3 tỷ đồng qua những đối tượng trung gian ngay tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vụ việc sau đó không được khởi tố hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đánh giá chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu. Các đối tượng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 316 triệu đồng và bị tịch thu 119.121 lít dầu DO.
Cảnh báo thủ đoạn mới
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, có nhiều vấn đề rút ra sau vụ việc này, trong đó đáng chú ý là phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng vi phạm. Cụ thể, các đối tượng không lưu lại hóa đơn, giấy tờ liên quan đến việc giao nhận dầu; mọi thỏa thuận, giao dịch đều được thực hiện qua điện thoại vệ tinh; đặc biệt, các đối tượng dùng người Việt làm thuê trên tàu nước ngoài thực hiện hành vi giao nhận hàng hóa để thuận tiện giao dịch, trao đổi, đồng thời tránh được những phức tạp về pháp lý, lãnh sự trong trường hợp bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ.
Sử dụng tàu cá đánh bắt xa bờ mua và vận chuyển dầu từ tàu nước ngoài bán cho các tàu đánh cá khác ngay trên biển nhằm kiếm lời (giá dầu mua trên biển thấp hơn từ 4.000 – 5.000 đồng/lít so với giá dầu mua hợp pháp ở bờ). Hoạt động này gây thất thu một lượng không nhỏ tiền thuế, phí vào ngân sách nhà nước.
“Các vụ việc cho thấy có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, hình thành “đường dây” đưa người Việt Nam lên tàu buôn lậu nước ngoài hoạt động ở trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau” – Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát Biển cảnh báo.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, vụ việc cũng làm phát lộ nhiều “lỗ hổng”, từ việc quản lý người Việt Nam ra nước ngoài làm việc đến việc áp dụng pháp luật mỗi địa phương một kiểu. Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, với hành vi tương tự, có địa phương xác định là tội phạm (Kiên Giang, Vĩnh Long), có địa phương lại kết luận chưa có dấu hiệu tội phạm (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Vì vậy, cơ quan này kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất xử lý đối với hành vi mua, bán dầu trên biển trên phạm vi cả nước.
Hoạt động mua dầu từ tàu nước ngoài để cung cấp lại cho các tàu khác cần được xử lý nghiêm theo hướng khởi tố, điều tra xử lý về tội buôn lậu để mở rộng đấu tranh với các đối tượng khác trong cung đường dây; đồng thời đề nghị Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát chặt chẽ thuyền viên trên các tàu cá đi đánh bắt xa bờ đúng với danh sách đăng ký nhằm ngăn chặn tình trạng thuyền viên trốn đi làm thuê cho tàu nước ngoài.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cần có giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài lao động trái phép, tham gia những hoạt động vi phạm pháp luật.