Tạp chí “Foreign Policy” (Chính sách ngoại giao) của Mỹ mới đây đã đăng bài “Lính đánh thuê – đa số im lặng trong quân đội của Obama” tiết lộ những điều ít người biết về sự có mặt của những đội quân đánh thuê trong quân đội Mỹ.
Những cái chết... giá rẻ
Gần đây, Thời báo New York đã công bố một trong những di sản của Tổng tư lệnh quân đội Obama để lại. Đó là sử dụng số lượng lớn chưa từng thấy lính đánh thuê do các nhà thầu tư nhân cung cấp vào các hành động quân sự ở bên ngoài nước Mỹ.
Blackwater - một nhà thầu quân sự cung cấp lính đánh thuê hùng hậu cho quân đội Mỹ |
Được Obama chấp thuận, đã xuất hiện hai cuộc chiến tranh (nói theo ngôn ngữ của Lầu Năm Góc là “Hành động khẩn cấp ở nước ngoài”) dựa vào các hãng thầu tư nhân hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ.
Tại chiến trường Afghanistan, quân chính quy Mỹ tham chiến là 9.800 người, trong khi lính đánh thuê của tư nhân là 28.626 người, tỷ lệ 1:3 – điều chưa từng có trong các cuộc chiến trước đây. Còn tại Iraq hiện nay, số quân chính quy là 4.087 người, trong khi lính của các nhà thầu quân sự là 7.773. Con số này chưa bao gồm lực lượng của các nhà thầu hỗ trợ cho hoạt động của CIA và các cơ quan tình báo khác.
Ngày 5/4/2016, Trung tướng Michael Rogers - Tư lệnh BTL lực lượng tác chiến mạng Mỹ - nói trước cuộc điều trần của Thượng nghị viện: Người của các nhà thầu quân sự chiếm tỷ lệ 25% trong đơn vị của ông ta.
Trong thời gian 2 nhiệm kỳ của ông Obama, rất nhiều lính thuộc đội quân tư nhân của các nhà thầu quân sự bị chết tại chiến trường Afghanistan và Iraq, số lượng nhiều hơn cả lính chính quy Mỹ.
Từ 1/1/2009 đến 31/3/2016, có 1.540 lính đánh thuê bỏ mạng (176 người chết ở Iraq, 1.364 chết ở Afghanistan); cũng trong thời gian đó, số lính chính quy chết là 1.301 người (289 người chết ở Iraq, 1.012 người chết ở Afghanistan). Riêng năm 2015 có 58 lính đánh thuê tử trận, trong khi lính chính quy chỉ có 27 người, chưa bằng một nửa.
Lính đánh thuê tham chiến ở Iraq |
Quân đội ít được nói tới
Khi điều tra về vai trò của các đội quân tư nhân trong các hành động quân sự ở ngoài biên giới, người ta rất khó biết được công việc của họ bởi chính phủ Mỹ không cung cấp các đánh giá thực chất, nhất là trong 10 năm xảy ra sự kiện “11/9”.
Mãi đến cuối năm 2007, Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ mới bắt đầu tiết lộ các số liệu về các nhà thầu quân sự tư nhân; các Bộ tư lệnh tác chiến cấp dưới đều từ chối công bố các số liệu liên quan tương tự.
Năm 2011, Cục điều tra trách nhiệm chính phủ phát hiện tuy các cơ quan như Văn phòng chính phủ, Bộ Quốc phòng, Cơ quan phát triển quốc tế…lẽ ra phải theo dõi, ghi chép số lượng quân của các nhà thầu quân sự và các nhân viên phi chính thức chết và bị thương trên các chiến trường Afghanistan và Iraq, nhưng Bộ Quốc phòng vẫn không theo dõi, ghi chép có hệ thống tình hình này.
Tháng 4/2016, ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng nghị viện đã nói thẳng với tướng Patrick Murph, Bộ trưởng Lục quân: “Chúng tôi hy vọng có một ngày nào đó ông sẽ cho chúng tôi biết rốt cục Lầu Năm Góc đã thuê bao nhiêu nhà thầu quân sự”.
Ngoài ra, khi tuyên bố các kế hoạch mới về đưa quân đội tới Iraq và Syria, Bộ Quốc phòng chưa bao giờ đề cập tới vai trò, phạm vi cũng như quy mô của các nhà thầu quân sự.
Các phóng viên rất ít khi hỏi Người phát ngôn Lầu Năm Góc hay các tướng lĩnh chỉ huy về có bao nhiêu lính đánh thuê của các nhà thầu tham chiến cùng quân đội ở nước ngoài. Trong những dịp ít ỏi khi được hỏi thì đại biểu phía quân đội cũng không cung cấp bất cứ số liệu nào.
Lính đánh thuê tham gia chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ |
Hồi tháng 2/2015, khi có nhà báo hỏi “có công ty bên ngoài quân đội nào tham gia tuyển mộ lính cho các phe đối lập chống chính phủ Syria không?” Thiếu tướng hải quân John Kirby đã trả lời: “Về việc có hay không nhà thầu quân sự tham gia vào hoạt động này, tôi không tiện nói”.
Rốt cục trong quân đội Mỹ có bao nhiêu quân của nhà thầu quân sự tư nhân tham gia cũng như bị giết khi phục vụ ở nước ngoài? Có lẽ không thể có được số liệu thống kê đáng tin cậy. Không những vậy, chính phủ cũng không có được số liệu chính xác về những công dân của mình là lính trong các đội quân tư nhân bị chết ở các chiến trường.
Theo tính toán của một cơ quan dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp: có khoảng 32% lính đánh thuê thuộc các đội quân của các nhà thầu quân sự tư nhân bị chết trong thời gian từ 2001 đến 2010 là công dân Mỹ, 68% còn lại là người nước ngoài do các công ty của Mỹ hoặc nước ngoài có hợp đồng với quân đội Mỹ tuyển mộ, trả lương.
Sinh mạng bị rẻ rúng
Đối với các binh sĩ quân đội Mỹ bị chết trong thời gian phục vụ ở nước ngoài thì Lầu Năm Góc đều đưa tin rất chi tiết; trên mạng, số liệu về “tình hình nhân viên thương vong” được thường xuyên cập nhật với đầy đủ thông tin như: họ chết trong khi tham gia hành động gì, bị giết trong khi hành động quân sự hay bị chết trong tình huống không đối địch…
Khi một lính đánh thuê là công dân Mỹ hay người nước ngoài bị chết, về lý thuyết, người thuê họ trong vòng 10 ngày phải thông báo tình hình cho cơ quan hữu quan của Bộ Lao công để làm thủ tục bồi thường; hoặc thân nhân người chết có thể kiện yêu cầu bảo hiểm bồi thường.
Sau đó cơ quan bồi thường lao động sẽ lập hồ sơ, người chết sẽ được đưa vào kho dữ liệu “Luật cơ sở quốc phòng” của ngành này.
Năm 2011, Bộ Lao công Mỹ tính toán có tới 68% chủ thuê không kịp thời báo cáo tình hình thương vong của người lao động mà họ thuê. Điều khiến sự việc càng trở nên phức tạp là có khi do ngôn ngữ bất đồng hoặc ghi chép không đầy đủ mà công ty thuê người không thông báo kịp thời số người thương vong cho đại lý tuyển mộ của họ ở nước ngoài.
Vì vậy, hầu như chắc chắn số lính đánh thuê bị chết được thông báo thấp hơn thực tế.
Các lính đánh thuê được trang bị vũ khí tương tự quân chính quy |
Sự giám sát, quản lý của quốc hội với các nhà thầu quân sự cũng rất hạn chế, trừ phi xảy ra chuyện lính đánh thuê nước ngoài ngộ sát binh sĩ Mỹ, hoặc các vụ việc lãng phí, lừa dối và lạm dụng tài nguyên của người đóng thuế.
Hồi tháng 5/2008, Ủy ban giám sát và cải cách chính phủ của Thượng nghị viện đã tổ chức một cuộc điều trần về vấn đề này. Năm 2011 cũng có một loạt buổi điều trần nữa bởi trước đó Ủy ban giám sát nhận thầu thời chiến phát hiện quân đội Mỹ bị thiệt hại khoảng từ 31 đến 60 tỷ USD do các hãng thầu lãng phí và lừa dối. Có điều trong suốt thời gian khoảng 10 năm, chẳng có buổi điều trần nào quan tâm đến trách nhiệm của các hãng thầu quân sự cả.
Tương tự, trong giới chính trị, vấn đề các hãng thầu quân sự tư nhân cũng không có được sự quan tâm cần thiết. Cho đến nay, trong các cuộc tranh luận suốt 28 kỳ bầu cử tổng thống, chỉ có duy nhất 1 lần vấn đề nhà thầu quân đội được đề cập đến.../.