“Leo thang” tội phạm mạng thời kinh tế số

Các lãnh đạo Bộ, ngành và các chuyên gia tại Hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. (Ảnh: P.V)
Các lãnh đạo Bộ, ngành và các chuyên gia tại Hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. (Ảnh: P.V)
(PLVN) - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia mới tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng”. Với tầm quan trọng của vấn đề an ninh trên không gian mạng, những vấn đề “nóng” của xã hội liên quan đến môi trường mạng đã được đặt ra và diễn giả là các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp, các tổ chức đã có những chia sẻ nhằm tháo gỡ vấn đề này.

Khởi tố 1500 vụ án, hơn 500 bị can lừa đảo trực tuyến

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng trong năm 2023 tăng gấp rưỡi so với năm 2022, tức là tăng từ 8.000 lên 10.000 tỷ đồng và các vụ án đã bị khởi tố vì tội lừa đảo trên không gian mạng lên đến 1.500 vụ. Theo các chuyên gia, phương thức lừa đảo hoàn toàn mới, ngày càng tinh vi, khó lường và nguy hiểm hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân và các tổ chức.

Tại Hội thảo, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an (nay là Bộ trưởng Bộ Công an), Chủ tịch Hiệp hội an ninh mạng quốc gia cho hay, cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quy mô và tốc độ chưa từng có, tạo ra những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với bảo đảm an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đối với mọi quốc gia. Hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến (chiếm 57% tổng số tội phạm mạng) gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, tội phạm triệt để lợi dụng công nghệ mới nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm (riêng năm 2023, thiệt hại là 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu).

Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hành phúc của người dân. Theo thống kê, trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo là 73%.

Theo đó, Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB công bố vụ lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay. Cùng với đó, chợ đen mua bán thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai trực tuyến cơ sở dữ liệu miễn phí gồm trên 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng. Tình trạng mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng tác động xấu đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Cùng với đó, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho hay, trong năm 2023, theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đã phát hiện hơn 3.500 vụ việc, tổng số thiệt hại lên tới hơn 2.487 tỷ đồng. Theo thống kê, hiện tại có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng. “Các phương thức lừa đảo chính như sau: Tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, bán, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử chiểm 44,7%; phát tán mã độc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội chiếm 17,73%; gọi điện giả danh lực lượng chức năng như công an, toà án, nhân viên ngân hàng… chiếm 11,56%; tạo lập sàn giao dịch kêu gọi đầu tư tiền ảo, chứng khoán chiếm 13,2%; giả danh công ty tài chính tải ứng dụng vay tiền 8,6%; lừa đảo khác chiếm 4,7%”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính thông tin. Trong đó, A05 đã khởi tố 15.00 vụ án với hơn 500 bị can liên quan đến lừa đảo trực tuyến.

Tội phạm mạng chuyên nghiệp, phân vai cụ thể

Khi công nghệ càng phát triển, chiêu thức hoạt động của tội phạm mạng càng tinh vi, chuyên nghiệp và có tổ chức. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Minh Chính cho hay: “Loại tội phạm này hoạt động chuyên nghiệp, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài. Nhóm này thành lập các công ty chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… để hoạt động phạm tội tại Việt Nam”.

Học sinh, sinh viên, đối tượng yếu thế là các đối tượng tội phạm hướng tới. (Ảnh: P.V)

Học sinh, sinh viên, đối tượng yếu thế là các đối tượng tội phạm hướng tới. (Ảnh: P.V)

Các đối tượng cầm đầu lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí là cả trẻ em (những người sử dụng điện thoại thông minh, có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận thức các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo). Các đối tượng lừa đảo thường xuyên chia sẻ, cập nhật kịch bản, triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, sự sơ hở của các cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm. Trong khi đó, người thiệt hại thì đa phần thiếu cảnh giác, thiếu kiến thức về bảo mật thông tin. Khi trình báo với cơ quan công an về vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, nguyên nhân bị mất tiền trong tài khoản.

Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống, chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là thách thức mang tính toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Tại một số quốc gia, chính phủ đã duy trì mô hình liên ngành để đấu tranh với tội phạm lừa đảo trực tuyến.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng nhận xét: “Có thể xem tội phạm lừa đảo qua mạng hiện nay là một nghề dành cho những kẻ muốn kiếm tiền bất chính. Nhiều tập đoàn tội phạm huy động hàng trăm người tham gia hoạt động lừa đảo. Tình hình diễn biến ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và không có chiều hướng suy giảm”.

Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và cần sự chung tay của các doanh nghiệp, Bộ, ngành, địa phương. Để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến một cách hiệu quả, cần giải quyết hai vấn đề chính: sự luân chuyển dòng tiền từ bị hại đến đối tượng lừa đảo. Việc đối tượng lừa đảo sử dụng ứng dụng, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để lừa đảo.

Trước thực trạng này, Thượng tướng Lương Tam Quang cho rằng việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo qua không gian mạng đang đặt ra rất cấp thiết hiện nay, đòi hỏi cấp thiết sớm thống nhất nhận thức, hành động trong mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cũng theo Thượng tướng Lương Tam Quang, thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là sự chung tay của các doanh nghiệp trong Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, phòng chống lừa đảo qua không gian mạng đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác phòng chống lừa đảo trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn, vướng mắc trong phòng chống lừa đảo trên không gian mạng đặt ra yêu cầu cấp thiết trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất xác định giải pháp tháo gỡ triệt để trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết ngành công an cũng tích cực phối hợp với các bộ/ngành dẹp nạn sim “rác”, tài khoản ngân hàng “rác”. Chỉ trong tháng 4/2024, A05 đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ hơn 2.100 tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo.

Cục trưởng A05 nhấn mạnh đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng phải là thế trận toàn dân. Trong đó, người dân cũng cần tích cực nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội, tránh tình trạng ngay cả khi mất tiền cũng không rõ nguyên nhân vì sao.

Ngoài ra, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cũng khẳng định sự phối hợp giữa các Bộ/ngành trong đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cần được cải thiện. Bởi lẽ, các cơ quan ban ngành làm việc theo các quy định hành chính nhưng tội phạm mạng thì biến đổi từng giây, từng phút; hành động chỉ thông qua vài cú click chuột…

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa.

Tương lai của hệ sinh thái Ngân hàng mở

(PLVN) - Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) và sự xuất hiện của các nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái ngân hàng mở (Open Banking) đã trở thành một trong những xu hướng quan trọng nhất của ngành tài chính hiện nay.

Đọc thêm

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp: Con đường tương lai

(Nguồn: Internet)
(PLVN) - Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn có sự tác động lớn và ngày càng càng trở thành xu hướng tất yếu đối với các lĩnh vực Kinh tế - Chính trị - Xã hội của các nước trên thế giới. Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, việc đưa vào sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của cơ quan giải quyết tranh chấp.

Chú trọng các giải pháp thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam

Đại biểu Phạm Đại Dương (Đoàn Phú Yên) đề nghị chú trọng các giải pháp để thúc đẩy kinh tế số ở cấp độ địa phương. (Ảnh: Quochoi.vn)
(PLVN) - Tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh đất nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, cần quan tâm thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam, góp phần phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Lần đầu tiên có quy định về tiền điện tử

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng. (Ảnh: laodong.vn)
(PLVN) - Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có hiệu lực từ 1/7/2024, lần đầu tiên tiền điện tử (e-money) đã được pháp luật Việt Nam quy định.