Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng đã đề ra quan điểm cần phát triển án lệ và áp dụng án lệ trong xét xử. Quan điểm của Đảng đã được thể chế hóa thành những quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật tố tụng được Quốc hội thông qua năm 2015.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 hướng dẫn về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Trên cơ sở các quy định của luật và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, ngày 06/4/2016, 06 án lệ đầu tiên đã chính thức được ban hành để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Kết quả này được nhìn nhận là một trong những dấu ấn quan trọng về cải cách tư pháp; góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau; khắc phục các khiếm khuyết trong quy định của pháp luật; tạo lập tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.
Trong bối cảnh mới chính thức triển khai việc nghiên cứu áp dụng án lệ trong xét xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tiễn công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử còn có những bất cập; chất lượng bản án chưa cao, thiếu những lập luận, phân tích mang tính tổng quát có giá trị áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự; để bảo đảm chất lượng của các án lệ được ban hành.
Bên cạnh việc cần làm tốt công tác rà soát, phát hiện, đề xuất nguồn phát triển án lệ, cần tiến hành đánh giá thực tiễn áp dụng các án lệ đã được công bố để kịp thời rút kinh nghiệm; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình lựa chọn, công bố án lệ (có thể xây dựng quy trình rút gọn bên cạnh quy trình đã được Hội đồng Thẩm phán ban hành); nâng cao kỹ năng viết bản án của các thẩm phán; nâng cao kỹ năng phân tích, viện dẫn án lệ trong xét xử.
Cơ bản nhất trí với việc phát triển án lệ, tuy nhiên, ông Ngô Huy Cương, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, án lệ phải chứa đựng giải pháp pháp lý để áp dụng vào những vụ việc tương tự trong tương lai. Theo ông Cương, cần phân biệt rõ phần nào là giải pháp pháp lý, phần nào là sự kiện. Về quy trình, theo ông Cương, đây là lĩnh vực chuyên môn sâu nên cần được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các học giả, đăng tải công khai trên phương tiện truyền thông và quan trọng “xây dựng án lệ phải có tính khái quát”.
Còn theo bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, VKSNDTC việc tiếp tục xét chọn án lệ là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 với nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Nếu không có án lệ sẽ khó khăn cho thẩm phán, kiểm sát viên.
Tuy nhiên, theo bà Chi, cần chọn các án điển hình ở tất cả các cấp đã có hiệu lực. Tình huống án lệ là phải không có luật hoặc luật không rõ dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau. Bà Chi cũng cho rằng, cần chỉ rõ sự kiện pháp lý trong án lệ là gì và sự kiện đó phải có tính phổ biến.
Chánh Tòa Dân sự, TAND TP Hà Nội Trần Trung Trực cũng cho rằng, nếu lấy những án đã có hiệu lực làm án lệ sẽ tốt hơn. Nhiều ý kiến đóng góp khác vào các vấn đề liên quan đến quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; các giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; đánh giá về các án lệ đã được ban hành.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cho ý kiến vào 18 bản án quyết định có hiệu lực của Tòa án mà TANDTC đã lựa chọn dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo, TANDTC sẽ nghiên cứu tiếp thu để có thể lựa chọn được những án lệ có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử, sự kỳ vọng của người dân và toàn xã hội.