Quy định quyết định sự “sống còn” của doanh nghiệp
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định pháp luật tác động đến sự “sống còn” của doanh nghiệp (DN). Dù đã không ngừng được hoàn thiện song vẫn còn rất nhiều quy định đang gây khó cho DN, thậm thí thiếu tính thực tế nên bị “coi thường, không chấp hành”.
Dẫn ví dụ quy định về khuyến mại, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam phân tích, khuyến mại sản phẩm là quyền tự quyết của DN nên can thiệp bằng quy định pháp luật là “buồn cười”.
Bên cạnh đó, quy định “tỷ lệ giảm giá tối đa là 50%” cũng không được chấp hành khi thực tế các cửa hàng, DN vẫn khuyến mại từ 5-90% giá trị sản phẩm nhan nhản mà không hề bị xử phạt. Do đó, bà Đinh Thị Mỹ Loan mong có nhiều quy định tốt hơn để DN không bị “hành”, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, cạnh tranh công bằng hơn.
Điểm ra một quy định “tồi”, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (TƯ) phân tích quy định yêu cầu điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in phải có bằng cử nhân cao đẳng ngành in vì theo Hiệp hội ngành in, hiện có khoảng 3.000 DN in đang hoạt động tốt mà người đứng đầu không có bằng cấp như quy định.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, ví dụ về những quy định có thể bị đánh giá là “tồi” còn nhiều như quy định “tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký 1 hàm lượng hoạt chất đối với mỗi dạng thành phần của thuốc bảo vệ thực vật” (Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT); chỉ tiêu nước thải của ngành chăn nuôi phải đáp ứng loại A (tương đương nước mà con người có thể uống được) trong Thông tư 47/2011/TT-BTNMT…
Tạo “phanh” trong ban hành pháp luật
Xuất phát từ thực tế trên, sáng 22/12, VCCI với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực Việt Nam (RCV) khởi động cuộc bình chọn “Các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất” (“Top ten Regulations”).
Chủ tịch VCCI Nguyễn Tiến Lộc cho biết, đây là cuộc bình chọn của cộng đồng DN đối với các quy định về kinh doanh được ban hành thời gian qua để cổ vũ, biểu dương những qui định, chính sách tác động tốt đến DN, đồng thời cảnh báo để tiến tới loại bỏ những quy định, chính sách gây khó cho DN, cản trở bất hợp lý đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Cuộc bình chọn “Top ten regulations” sẽ là những gợi ý, kiến nghị của cộng đồng DN để hoàn thiện các tiêu chí đánh giá pháp luật, giúp thay đổi và cải thiện chất lượng các văn bản pháp luật về kinh doanh như giảm chi phí tuân thủ, hạn chế rào cản gia nhập thị trường, ít cơ hội cho tham nhũng, không phân biệt đối xử…
Đồng thời, ông Đậu Anh Tuấn hy vọng chương trình bình chọn sẽ liên kết “tiếng nói” của các DN, hình thành được kênh để DN tham gia, giám sát chủ động, tự tin hơn vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tạo ra “phanh” cho các chủ thể cân nhắc trước khi ban hành chính sách, pháp luật.
Đối tượng được bình chọn là các quy định pháp luật đang có hiệu lực (được ban hành từ 1/1/2014 - 31/12/2015) liên quan đến DN và hoạt động kinh doanh trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan TƯ ban hành, bao gồm cả việc bãi bỏ các quy định pháp luật đã có.
Hội đồng chuyên gia sẽ lựa chọn “30 quy định tốt nhất và 30 quy định tồi nhất” để đưa ra bình chọn “10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất”. Hội đồng cũng sẽ phân tích, bình luận và đưa ra kiến nghị dựa trên kết quả bình chọn để đưa ra Báo cáo phân tích và công bố rộng rãi dự kiến vào tháng 4/2016.
Ban Tổ chức sẽ gửi thư mời đến 384 Hiệp hội DN Việt Nam (cấp TƯ và cấp tỉnh) và 29 Hiệp hội DN nước ngoài trên cả nước tham gia bình chọn. Quyền đề cử các đối tượng bình chọn rất rộng, thực hiện đến 22/1/2016. Thông tin đề cử được tiếp nhận qua nhiều kênh như website của VCCI (webssite riêng của cuộc bình chọn), fax, email, bưu chính, facebook. “Tất cả các để cử phù hợp đối tượng bình chọn đều hợp lệ và được tiếp nhận và xử lý” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết.