Đây là tàu cao tốc chở khách trên biển lớn nhất hiện nay ở Việt Nam với chiều dài hơn 77m, rộng khoảng 9,5m, sức chứa 1.017 khách, tốc độ 35 hải lý (hơn 60km)/giờ, thời gian từ TP HCM đến Côn Đảo khoảng 4 tiếng đồng hồ. Tàu có thể chạy ở thời tiết gió giật cấp 8, giảm say sóng và an toàn cho hành khách.
Mỗi tuần tàu chạy 3 chuyến, cách nhau một ngày. Trong đó, tại TP HCM tàu khởi hành lúc 7h ở cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), rồi theo luồng sông Soài Rạp - vịnh Đồng Tranh - Biển Đông đến Côn Đảo. Tại Côn Đảo, tàu sẽ xuất phát lúc 13h ở cảng Bến Đầm và trở lại TP HCM. Vé tàu đã được mở bán tại một số đại lý, phòng vé và website.
Hiện giá vé máy bay tuyến TP HCM - Côn Đảo thấp nhất hơn 1,6 triệu đồng/người/chặng, lúc cao điểm vé hai chiều gần 6 triệu đồng. Sau khi Bamboo Airways dừng bay Côn Đảo từ tháng 4/2024, chỉ còn Vietnam Airlines khai thác chặng này.
Đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết, tàu cao tốc TP HCM - Côn Đảo là tuyến vận tải hành khách đường thuỷ lần đầu triển khai. Trước đó, người dân từ TP HCM chỉ có thể theo đường hàng không, hoặc đến TP Vũng Tàu rồi đi tàu ra Côn Đảo. Vì vậy, khi đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc trên sẽ góp phần tăng kết nối vùng Đông Nam Bộ, giúp khách có thêm lựa chọn tới Côn Đảo - địa điểm du lịch lớn phía Nam.
"Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, kích thích phát triển du lịch, việc khai thác tuyến tàu cao tốc này góp phần giảm tải và hỗ trợ khách bằng đường hàng không, đặc biệt là trong thời gian sân bay Côn Đảo thi công mở rộng", đại diện Sở GTVT nói.
Ngoài tuyến tàu nêu trên, tại TP HCM trước đó đã đưa vào khai thác tàu cao tốc từ khu trung tâm và phà biển từ Cần Giờ đi Vũng Tàu. Theo kế hoạch phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy từ nay đến 2025, TP dự kiến đầu tư thêm hai tuyến ở nội đô, gồm quận 1 đi quận 7, Nhà Bè và tuyến từ bến Bạch Đằng đi Thanh Đa.
Hai tuyến liên tỉnh khác cũng được lên kế hoạch đầu tư, gồm tuyến từ quận 1 đi Bình Dương, Củ Chi và phà biển từ Cần Giờ đi huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Theo Sở GTVT, việc mở rộng loại hình này ngoài mục tiêu giảm tải cho đường bộ còn nhằm phát triển du lịch, kinh tế giữa các địa phương trong vùng.