Khám phá văn tự cổ khổng lồ từ đá
Động Kính Chủ (hay còn gọi là động Dương Nhan) thuộc làng Dương Nham, xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được xếp vào hàng Nam thiên đệ lục động (động thứ 6 của trời Nam), là một thắng cảnh ngoạn mục, một bảo tàng nhỏ lưu giữ các văn bia của các danh nhân ghi lại dấu ấn của nhiều thời đại, niên đại 7 thế kỷ qua.
Thời Lý, Kính Chủ là trung tâm Phật giáo. Chính sử chép nơi đây có 49 hang động, lầu son gác tía. Lý Thần Tông được nhà Trần cho tu ở đó, thực chất là an trí. Ở đây còn thấy hình động vật được khắc trên vách đá và công cụ lao động của người xưa. Trong động là chùa Kính Chủ thờ Phật, Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang và nhiều tượng trong kinh Phật tạc bằng đá. Danh nhân vua chúa quan lại nhiều thời đại như: Phạm Sư Mạnh, vua Lê Thánh Tông, Lễ bộ Thượng thư Vũ Cán (thời Lê), Hình bộ Thượng thư Trương Quốc Dụng (thời Nguyễn)... đã từng đến đây, cảm xúc trước cảnh sông núi kỳ vĩ và để lại những dòng suy tư với đất nước và thời cuộc. Những cảm xúc đó được các nghệ nhân ghi lại bằng 54 tấm bia tạc vào vách động.
Còn tại bãi đá cổ Sapa (thung lũng Mường Hoa, cách thị trấn Sapa, Lào Cai 7km) có trên 100 hòn đá có hình khắc cổ. Số lượng đá cổ có hình khắc tập trung nhiều nhất thành hai bãi lớn tại xã Hầu Thào.
Sau nhiều chục năm nghiên cứu bãi đá, GS Lê Trọng Khánh nhận xét: “Tổng thể các hình khắc trên bãi đá cổ Sapa quả là một bộ sách khổng lồ được khắc bằng văn tự cổ”.
Bãi đá cổ Sapa được một số nhà khoa học quốc tế đánh giá là một trong số ít những bãi đá có hình khắc đẹp và bí ẩn nhất thế giới. Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã xếp hạng bãi đá cổ Sa Pa là “Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia” cần được bảo vệ, gìn giữ cho muôn đời sau.
Bãi đá khắc cổ Khe Hổ, xã Hang Chú (huyện Bắc Yên, Sơn La) được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1994 nằm ở giữa thung lũng rộng khoảng 50ha thuộc bản Hang Chú, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Tại bãi đá này, có 9 khối đá granit có vết khắc, phân thành 6 cụm nằm cách nhau từ 50- 200m. Qua quá trình thẩm định và nghiên cứu, xác định bãi đá cổ có từ cách đây vài trăm năm.
Chủ đề các hình vẽ ở đây rất phong phú, đa dạng, chủ yếu miêu tả cảnh thiên nhiên như núi đồi, sông suối, những thửa ruộng bậc thang, các hoạt động sản xuất nông nghiệp (ruộng bậc thang), hoa văn trang phục váy, áo của các dân tộc thiểu số (hình xoắn ốc, hình thang), những cung đường lên núi... Theo các nhà khảo cổ, “bức tranh đá” ra đời vào thời kỳ kim khí, bởi để có những vết khắc, người xưa đã dùng những dụng cụ phải có độ cứng, sắc, nhọn tác động trực tiếp; chứng tỏ kỹ thuật luyện kim thời bấy giờ đã phát triển đến trình độ nhất định; năng suất lao động tăng, cuộc sống con người không còn phụ thuộc vào tự nhiên.
Cần bảo vệ những “trang sách trời”
Bãi đá cổ Nấm Dẩn được người dân gọi là “Thiên tự” là di tích cấp quốc gia thuộc xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Theo các nhà khoa học, bãi đá cổ Nấm Dẩn có niên đại khoảng 2.000 năm. Đây là nơi có những hòn đá trầm tích lớn với sự sắp xếp kỳ thú của thiên nhiên, rải rác lên cao dần là những khối đá với hình thù đa dạng và độc đáo, chạm khắc các hình vẽ, chữ nằm dọc bờ suối Nậm Khoòng. Mỗi tảng đá là một điều bí ẩn, gắn với những câu chuyện ly kỳ mang dấu ấn tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng. Với những giá trị đặc biệt, quần thể di tích bãi đá cổ Nấm Dẩn đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích khảo cổ quốc gia ngày 21/2/2008.
Nhiều hình thù lạ mắt, bí ẩn trên phiến đá niên đại 2000 năm tại Nấm Dẩn. |
Theo lời già làng Lù Văn Phiên, ở Nấm Dẩn có tục thờ đá từ lâu đời nên những khối đá cổ bí ẩn kia không ai dám xâm phạm tới. Theo truyền thuyết, khu có bãi đá cổ là nơi thần thánh cất giữ những bí mật về sổ sách. Qua những tảng đá có những hình khắc lạ lùng, người dân coi đó là “thiên tự” và khu vực thung lũng của bãi đá cổ được xem là “đất thánh”. Có lẽ vì vây, “Thiên tự” được hầu như chưa có sự xâm hại của con người.
Khác với bãi đá cổ Nấm Dẩn, mặc dù có tên trong danh sách dự kiến đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới nhưng bãi đá cổ Sa Pa từng bị xâm hại mạnh mẽ của thiên nhiên và con người. Kể từ khi du lịch về bản, có tour thăm bãi đá cổ Sa Pa, một số hình khắc trên bãi đá bị tàn phá. Di sản bãi đá cổ Sa Pa từng bị du khách trèo lên tảng đá, giẫm đạp vào các hình khắc để chụp ảnh. Đau lòng hơn, có một số người còn lấy con dao sắc nhọn để khắc tên, vẽ bậy, viết đè lên những chữ đá cổ. Chưa kể, những tảng đá đẹp nhất phơi ra giữa mưa nắng và mờ đi từng ngày.
Lo ngại trước việc di sản bãi đá cổ Sa Pa – “trang sách trời” có thể “bay” về trời, chính quyền Sa Pa nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung đã có quyết sách bảo vệ. Theo đó, các làng bản trong phạm vi này đã trở thành làng văn hóa - du lịch, gắn liền với du lịch bãi đá cổ. Chính quyền đã làm hàng rào bảo vệ. Các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân giá trị cũng như bảo vệ bãi đá, có nguồn thu khi khách đến thăm. Người dân dần coi bãi đá như gia sản, như nơi thờ tổ tiên của mình.
Về di tích động Kính Chủ, UBND tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng nhiều hạng mục tu bổ, chống xuống cấp. Trong đó, có các hạng mục như lan can lên động, sân vận động, am hóa vàng, chuyển tượng Phật Bà, biển chỉ dẫn di tích, mái nhà trung từ và hậu cung, tam quan nội, tam quan ngoại, biển giới thiệu di tích. Công trình này do Sở VH,TT&DL làm chủ đầu tư. Việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân; góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.