Y đức là vấn đề trung tâm, cốt lõi trong quan điểm về y tế của Đảng ta. Không nghề nào quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ và tính mạng con người như nghề y; không nghề nào mà sai lầm hay thiếu sót lại ảnh hưởng lớn đến sự sống còn, đến sức khoẻ con người như nghề y.
Tuy nhiên, vấn đề y đức đang bị thách thức. Có phải y đức đang xuống cấp báo động?. Phải nói rằng, thực tế có một bộ phận y, bác sỹ còn ứng xử chưa đúng mực, thiếu văn hóa, thậm chí sách nhiễu, vòi tiền bệnh nhân. Nhưng phần lớn các thầy thuốc hiện nay không thích thú gì với phong bì bồi dưỡng của bệnh nhân, thậm chí còn coi đó là sự xúc phạm.
Vì sao có một bộ phận thầy thuốc tiêu cực?. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản vẫn là: Thứ nhất, một số thầy thuốc không nhận thức được đầy đủ, tự rơi vào cái bẫy của đồng tiền. Thứ hai, cơ chế của nền y tế còn bất cập. Nếu hiểu tự chủ đồng nghĩa với tự kiếm lương để sống thì dứt khoát người thầy thuốc phải coi bệnh nhân là đối tượng thu tiền. Hiện nay viện phí đang là nguồn thu chính của một số bệnh viện nên gây ra nhiều bất cập.
Viện phí là tiền trực tiếp của người bệnh tự trả sau khi đã được khám chữa bệnh và đang được thực hiện theo cơ chế “tiền trao cháo múc”, đẩy người thầy thuốc quan hệ trực tiếp với đồng tiền, thông qua đồng tiền, nên dễ nảy sinh tiêu cực. Thứ ba, trong đào tạo nhân lực ngành y, chúng ta ít quan tâm đến vấn đề cụ thể, những vấn đề về y đức. Giáo dục y đức đang thiếu những nội dung cụ thể hàng ngày như cách ứng xử với bệnh nhân, trách nhiệm đối với bệnh nhân….
Làm sao giải “bài toán” y đức?. Phải nói rằng, đây là “bài toán” tổng thể mà việc đầu tiên là phải xác định mục đích của ngành y tế Việt Nam là gì; phải có cơ chế hoạt động; đặc biệt cơ chế tài chính để y tế hoạt động hiệu quả. Hiện nay, nhiều bệnh viện được tự chủ tài chính; tự chủ phát huy được tính năng động nhưng lại đòi hỏi động cơ rất trong sáng, đòi hỏi sự minh bạch.
Phải tránh tư tưởng “xã hội hóa” ngụy biện, lạm dụng “xã hội hóa” mà thực chất là thu tiền. “Xã hội hóa’ không đồng nghĩa với việc bắt dân đóng góp càng nhiều càng tốt. Thêm nữa, là giáo dục những hành vi tốt cho người thầy thuốc vì họ là vị cứu tinh cho bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh viện công phải tập trung vào cách tổ chức. Nghề thầy thuốc hết sức đặc thù, phải có điều kiện tối thiểu để họ làm việc, nếu muốn họ là “sợi dây truyền sức sống” cho bệnh nhân.
Không giải quyết được tổng thể các vấn đề của ngành y thì y đức còn tiếp tục thách thức trước “giông bão”. Cuộc sống với tất cả các mặt tích cực và tiêu cực là “giông bão”, cần phải có sự giải quyết thỏa đáng, kịp thời.
Từ Tâm