Hôm nay (20/10), Quốc hội Khóa XIII bắt đầu họp kỳ thứ 2, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIII. |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta phải có quyết tâm rất cao, các giải pháp thích hợp bảo đảm thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nỗ lực đạt kết quả tốt hơn trong cuối năm 2011, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2012 và những năm tiếp theo...
Sau bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình KT-XH năm 2011, Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và 5 năm 2011-2015”.
Lạm phát giảm dần
Theo trình bày của Thủ tướng, nhờ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường nên từ tháng 5 năm 2011 mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, 9 tháng tăng 16,63%, ước cả năm tăng khoảng 18%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "...bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP" |
Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước; đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, sắp hoàn thành; miễn, giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân.
Kết quả là, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%), thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ.
Mặt khác, Chính phủ cũng đã chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; ước cả năm, tổng dự toán tín dụng tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%. Theo đó, vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm tỷ trọng vốn vay của khu vực phi sản xuất; lãi xuất tín dụng đã có xu hướng giảm.
Theo đánh giá của Thủ tướng, thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện; mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát có kết quả bước đầu; nợ công được giữ ở mức an toàn; an ninh năng lượng và an ninh lương thực được đảm bảo.
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,1%
Cùng với sự định hướng đúng, những ưu tiên trong chính sách, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt và sự nỗ lực sáng tạo của nhân dân, nên việc sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển.
Theo đánh giá của Thủ tướng, về nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đạt mức kỷ lục về sản xuất lương thực và xuất khẩu gạo, thu nhập và đời sống của nông dân được cải thiện; giá trị sản xuất nông nghiệp 9 tháng tăng 4,1% (ước cả năm tăng 3,6%); chỉ số sản xuất nông nghiệp 9 tháng đạt 7,8% (ước cả năm tăng 7%); khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, tăng 6,24%, dự báo cả năm tăng 6,4%.
Nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch, góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá….
Chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2011 để thực hiện chính sách an sinh xã hội gần 60 nghìn tỷ đồng, ước cả năm khoảng 84 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2010. Dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách an sinh xã hội đến 30/9 là 97,4 nghìn tỷ đồng, ước đến 31/12/2011 là 104,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2010. Ngoài ra, Chính phủ đã xuất dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, chủ yếu ở vùng bị thiên tai hơn 62 nghìn tấn gạo và xuất cấp các vật tư, thiết bị khoảng 574 tỷ đồng. Các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 17 nghìn tấn lương thực và trên 9 tỷ đồng. |
Trọng Hùng