Đáng lo ngại nhất là nạn côn đồ hoành hành, dương oai diễu võ trong bệnh viện, nơi chữa bệnh cứu người trở thành “chiến địa” để giang hồ, băng nhóm thanh toán lẫn nhau. Không chỉ dao búa, gậy gộc mà cả súng nổ, không phải chỉ 1,2 tên mà cả nhóm người kéo vào, không chỉ nhắm tới đối tượng cần trả thù mà cả các nhân viên bảo vệ cũng bị vạ lây và làm đội ngũ y, bác sỹ, bệnh nhân và người nhà vô cùng hoảng sợ! Không chỉ một vài vụ, nhiều vụ ở nhiều bệnh viện tại các địa phương khác nhau đã diễn ra.
Bên cạnh đó, rất phải lưu tâm, suy nghĩ là các hành vi giết người có nguyên nhân từ những mâu thuẫn vụn vặt. Tại Tây Ninh, phụ hồ đâm chết người quản lý vì vay 100 nghìn không được lại bị chế giễu khinh thường vì không có tiền; Bà Rịa – Vũng Tàu, giết người vì mâu thuẫn trong việc tính tiền hát karaoke; Lâm Đồng, các học viên cai nghiện đâm chết nhau trong cơ sở chữa trị; Kiên Giang, mâu thuẫn trên biển, thuyền viên giết chết bạn tàu; Gia Lai, thầy giáo tiểu học đánh chết người sau cuộc nhậu; Quảng Ninh, tài xế xe tải đâm chết đồng nghiệp vì không chịu nhường đường, cho vượt,...
Một vụ việc khác, rất đáng quan ngại là những băng nhóm dàn trận đánh nhau giữa phố tại Sài Gòn, rồi xông vào một cửa hàng quần áo, đâm chém loạn xạ nhân viên, đập phá đồ đạc. Đáng chú ý hơn là sự xuất hiện của một phụ nữ sau đó ở bệnh viện, giải thích là đánh nhầm, đứng ra chịu viện phí, bồi thường.
Như vậy, rõ ràng là có sự tồn tại của các băng nhóm côn đồ và hành xử theo kiểu giang hồ, đứng ngoài pháp luật. Từ đây, những trận huyết chiến xảy ra và can thiệp sâu vào các quan hệ trong đời sống xã hội, thực hiện các hành vi đâm thuê, chém mướn. Nguy hại nhất đó là xuất hiện tình trạng “có cầu ắt có cung” trong “dịch vụ” đâm thuê, chém mướn này, gây bất ổn và trị an xã hội.
Những vụ việc đơn lẻ trên đây nhưng xảy ra thường xuyên, tại nhiều địa phương, tập hợp lại sẽ là một hiện tượng rất không bình thường phát sinh ngay trong “nội tạng” xã hội. Sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật đối với tội phạm chỉ là giải quyết được phần ngọn, triệt phá các băng nhóm là việc cần thiết phải thực hiện và duy trì song đó cũng chỉ là khúc giữa, gốc của vấn đề là môi trường khiến các loại tội phạm đó, hoặc băng nhóm, hoặc manh động nhất thời, sinh sôi.
Trật tự xã hội được duy trì bởi pháp luật nhưng không thể thiếu nền tảng đạo lý để trật tự đó được duy trì bền vững. Tội phạm nảy sinh từ những bất công xã hội, do vậy, công bằng xã hội đóng vai trò quyết định cùng với các biện pháp an sinh xã hội sẽ là môi trường lành mạnh để ý thức pháp luật, trách nhiệm công dân nảy nở, đạo lý làm người thấm nhuần, loại trừ lối hành xử bạo lực, vi phạm pháp luật và phi nhân tính.