Cam kết mạnh mẽ này được Bộ NN&PTNT đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về định hướng công tác Bảo vệ thực vật (BVTV) trong tình hình mới diễn ra sáng nay (15/5) tại Hà Nội.
Diễn ra khắp nơi
Theo Cục BVTV, hàng năm có khoảng 2,5 triệu ha lúa, trên 1,5 triệu ha cây rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và nhiều triệu ha cây rừng trồng có nguy cơ bị sinh vật gây hại (SVGH) tấn công. Và trong thời gian dài, người nông dân vẫn lạm dụng thuốc hóa học để phòng trừ sinh vật gây hại (SVGH) nhờ tính chất tác động mạnh của thuốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV thừa nhận, trong thực tế hiện nay còn một bộ phận lớn nông dân chỉ quan tâm đến năng suất, lợi nhuận mà không chú ý đến chất lượng nông sản nên việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân vô cơ vẫn đang diễn ra khắp nơi.
Nhưng theo ông Trung, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong nước gia tăng mạnh. Vì thế để thỏa mãn nhu cầu này của xã hội, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải khoa học hơn, trong đó chú trong việc sử dụng cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học là vấn đề cần thiết, phải thay đổi.
Thống kê của Cục BVTV cho thấy, nhu cầu sử dụng thì năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất hiện nay ở trong nước đã dư thừa gấp gần 3 lần nhu cầu sử dụng với khoảng 11,5 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, khoảng 10,5 triệu tấn phân bón vô cơ (chiếm 90,8%), khoảng 1,0 triệu tấn phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh (chiếm 9,2%).
Trong khi đó, cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, Bộ này đã hoàn thiện các báo cáo đánh giá và quyết định loại ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam (Danh mục-PV) 7 hoạt chất (818 tên thương phẩm) có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái và các thuốc không đáp ứng quy định về quản lý thuốc BVTV hiện hành gồm: Carbendazim, Benomyl, Thiophanate-methyl, hoạt chất 2,4D, Paraquat, Trichlorfon và Carbofuran.
Ngoài chủ động đánh giá và loại bỏ, Cục BVTV cũng đã vận động doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tự rút khỏi Danh mục 206 tên thương phẩm thuốc BVTV và kết quả đến nay đã loại bỏ được tổng cộng 1024 tên thương phẩm ra khỏi Danh mục.
Hết thời làm ăn chụp giật
Theo Bộ NN&PTNT, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tư do đang được ký kết rầm rộ từ cấp song phương đến châu lục và liên châu lục thì rào cản kỹ thuật đang được các nước sử dụng triệt để như một biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước của họ. Chính vì thế hàng rào kỹ thuật cả về KDTV và ATTP đang được các nước nâng lên ở mức rất cao.
Cũng theo Bộ này, các nước hầu như đòi nước XK phải cung cấp một bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ, sản lượng, phân bố vùng trồng. Đồng thời thời gian để phân tích nguy cơ dịch hại làm cơ sở để mở cửa thị trường cho một loại sản phẩm là rất lâu, có những nước kéo dài đến hàng chục năm. Thậm chí, về ATTP, rất nhiều mức dư lượng đang được các nước EU, Mỹ quy định ở mức 0 hoặc rất thấp.
Theo Cục trưởng Cục BVTV, trong khi tại Việt Nam, đang rất thiếu các nghiên cứu và dự báo có chiều sâu và toàn diện về nhu cầu cũng như thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm, cũng như về các đối thủ cạnh tranh với hàng Việt Nam tại các thị trường đó. Thêm vào đó, hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đang ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực đầu tư khoa học công nghệ về bảo quản, chế biến và tổ chức vùng nguyên liệu yếu. Chưa kể vẫn còn hiện tượng kinh doanh chụp giật, gian lận khi xuất khẩu và làm thủ tục KDTV, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín hàng nông sản Việt và nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” khi mất thị trường mà rất khó khăn, mất nhiều chi phí mới mở cửa được.
“Trong tình hình yêu cầu an toàn thực phẩm ngày càng cao, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ, xu hướng liên kết sản xuất đang phát triển mạnh, Bộ NN&PTNT cam kết sẽ rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khẩu. Kiên quyết hoàn thiện đủ các căn cứ khoa học để loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi Danh mục”- Cục trưởng Trung nhấn mạnh.
Được biết, theo kế hoạch dự kiến của Bộ NN&PTNT, đến năm 2021, Bộ này sẽ tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%. Với thuốc BVTV, sẽ rút ngắn số lượng tên thương phẩm trong Danh mục và tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.
Tình trạng đáng báo động
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đáng báo động. Việc lạm dụng các loại vật tư nông nghiệp không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm nông sản, nguy cơ mất an toàn thực phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại. Vì thế, cần tổ chức lại sản xuất, hướng tới giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học.