Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 12 thành viên, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng là trưởng ban; ông Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm Phó Trưởng Ban thường trực. Tham gia Ban chỉ đạo còn có lãnh đạo các Sở VHTT&DL, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng… lãnh đạo của TP Đà Lạt.
Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ và vận động kinh phí thực hiện trong công tác đề xuất TP Đà Lạt trở thành thành phố di sản.
Ban soạn thảo gồm 22 thành viên, Trưởng ban là ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt; ông Võ Ngọc Trình – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt là Phó trưởng ban thường trực.
Ban soạn thảo có nhiệm vụ giúp việc cho Ban chỉ đạo trong công tác xây dựng hồ sơ; là cầu nối giữa Ban chỉ đạo và Đơn vị tư vấn.
Thành phố di sản được hiểu là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên.
Trên cơ sở đó, Đà Lạt hội đủ các tiêu chí của một đô thị di sản: Có cấu trúc đô thị được bảo tồn toàn vẹn và tiếp nối hữu cơ qua các giai đoạn phát triển; có hệ thống di sản kiến trúc và đô thị phong phú, độc đáo tạo nên diện mạo đặc trưng của đô thị; có cảnh quan nhân tạo được tổ chức trong mối quan hệ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; có giá trị lịch sử và văn hóa đô thị đặc sắc được bảo lưu và phát triển tiếp nối.
Với việc trở thành thành phố di sản, 3 giá trị vốn có của Đà Lạt sẽ không ngừng được tôn tạo, bồi đắp, bảo tồn và phát huy, gồm: khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình; văn hóa và con người.
Cuối tháng 6, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Đặng Quang Tú đã gửi thư và hồ sơ đến Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đề nghị xét duyệt để Đà Lạt tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong năm 2023.