4,3 tỷ đồng “bay” theo những cuộc điện thoại
Theo trình bày của ông Phạm Văn Phước (SN 1940, ngụ tổ dân phố 3, thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ), vào sáng ngày 28/9, ông nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ do một thanh niên tự xưng là điều tra viên thuộc Bộ Công an gọi đến số máy di động của ông với nội dung ông Phước có liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý và rửa tiền.
Để chứng minh sự trong sạch, đối tượng yêu cầu ông Phước khai báo tài sản với lý do phục vụ công tác điều tra và yêu cầu ông phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phối hợp xác minh, truy bắt tội phạm. Trong 24h, nếu cơ quan chức năng xác minh không có liên quan thì sẽ trả lại tiền. Đồng thời, đối tượng lừa đảo cũng yêu cầu ông Phước không được tiết lộ thông tin về việc chuyển tiền cho ai biết để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Sau đó, do bị hù dọa, ông Phước đã lần lượt đến chi nhánh Ngân hàng Việt Á (huyện Đức Phổ) chuyển số tiền 330 triệu đồng (lần 1) và 170 triệu đồng (lần 2) cho hai số tài khoản ngân hàng ở Hà Nội và Bình Dương, với tổng số tiền là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi vừa chuyển xong thì ông Phước nhận ra mình bị lừa nên lập tức trình báo cơ quan công an.
Chứng từ giao dịch ở ngân hàng ông Lợi chuyển 4,3 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo |
Ngày sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Đức Phổ đã nhanh chóng phối hợp với Ngân hàng Việt Á tiến hành chặn giao dịch của hai lần chuyển tiền trên và thu hồi nguyên vẹn tài sản trả cho người bị hại.
Từ ngày 27 đến 29/9, ông Trần Văn Lợi (SN 1951, ngụ xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, nguyên lãnh đạo một nhà máy trên địa bàn huyện Đức Phổ) liên tục nhận các cuộc gọi từ các số máy lạ. Ở đầu giây bên kia, một đối tượng cũng tự xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an nói đang điều tra về chuyên án rửa tiền và đưa nhận hối lộ có liên quan đến ông Lợi.
Cũng với thủ đoạn yêu cầu chuyển tiền như trên, Sau đó, ông Lợi đã lần lượt đến các ngân hàng ở huyện Đức Phổ và chuyển tiền cho hai số tài khoản ngân hàng với tổng số tiền 4,3 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền xong, đợi quá thời gian 24h nhưng không lấy lại được tiền, ông Lợi mới biết là mình đã bị lừa.
“Chúng gọi điện hối thúc liên tục, làm cả gia đình tôi lo lắng. Cứ nghĩ có kẻ nào đó đã ám hại mình nên cũng muốn làm cho sáng tỏ, vậy nên mới chuyển tiền cho chúng. Nào ngờ, tôi lại ăn cú lừa đắng như vậy. Bây giờ, mọi sự nhờ cơ quan công an điều tra làm rõ, bắt đối tượng trả lại số tiền cho tôi”, ông Lợi cho biết.
Các đối tượng vẫn đang tiếp tục gây án
Theo đại tá Phan Văn Nhẫn, thủ đoạn các đối tượng giả danh thường sử dụng là gọi điện đến các số máy điện thoại bàn cố định hoặc số điện thoại di động của người dân rồi tự xưng điều tra viên, trinh sát đang điều tra vụ án buôn bán ma túy lớn và rửa tiền. Chúng thường nói với người dân rằng: có đối tượng buôn bán ma túy, rửa tiền sử dụng số chứng minh nhân dân của bị hại để mở tài khoản ngân hàng, dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội.
Tiếp đó, đối tượng giả danh cán bộ điều tra lấy lý do để phục vụ công tác điều tra, yêu cầu bị hại khai báo tài sản đồng thời yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng lập. Khi nào điều tra, xác minh nếu không có liên quan đến tội phạm thì trả lại tiền, nếu không chuyển tiền thì sẽ bị bắt khẩn cấp, nếu báo cho ai đó thông tin thì sẽ bị giết.
Nhiều số điện thoại lạ đối tượng lừa đảo gọi đến ông Lợi yêu cầu chuyển tiền |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã liên tục xảy ra các vụ án có cùng phương thức, thủ đoạn tương tự. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa đối tượng gây án và người bị hại, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi, được tính toán kỹ lưỡng.
Đặc biệt nguy hiểm là chúng đã thay đổi phương thức từ chỗ rút tiền tại cây ATM ở Việt Nam bằng cách rút tại cây ATM ở nước ngoài thông qua thẻ MasterCard. Việc này dẫn đến khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định thì sẽ bị rút ngay lập tức tại nước ngoài.
“Hiện nay các đối tượng lừa đảo trên đang tiếp tục liên hệ với nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đức Phổ để thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, đề nghị quần chúng nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa và phát hiện, tố giác tội phạm, không để các đối tượng lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các ngân hàng cần phối hợp thông báo phương thức, thủ đoạn đến cán bộ giao dịch, khi có người dân đến gửi tiền thì ngăn chặn, không để xảy ra thiệt hại”, ông Nhẫn cho biết.