“Mất bò mới lo làm chuồng”.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có hơn 60 nghìn xe ô tô tự đổ đang hoạt động. Trong đó có khoảng trên 28 nghìn phương tiện có thể tích thùng hàng vượt quá quy định được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp cải tạo. Chủ yếu là xe nhập từ Trung Quốc, do các doanh nghiệp đặt hàng theo thiết kế. Đặc biệt, có trường hợp vượt trên 300% tải trọng.
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe quá tải hoạt động đã phá hỏng các tuyến đường từ quốc lộ tới tỉnh lộ và đặc biệt là các đường đê... Hàng năm, ngân sách Nhà nước đều phải chi hàng nghìn tỉ đồng cho công tác duy tu, sửa chữa đường.
Còn các tuyến đường tại một số tỉnh thành có mỏ quặng, mỏ đá hoặc cửa khẩu, cảng biển thì tình trạng xe siêu trọng vẫn nghiêm trọng.Nhiều xe chở gấp hai lần tải trọng.Hậu quả, các đường quốc lộ, tỉnh lộ mà có xe siêu trường siêu trọng, quá khổ quá tải đi qua xuống cấp hư hỏng nặng, gây bức xúc trong dư luận.
Lý giải cho tình trạng này, ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trước thời điểm có quy định về giới hạn thùng chở hàng thì những quy định chặt chẽ về kích cỡ thùng, nhiều xe ô tô được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu chưa chặt chẽ. Cục Đăng kiểm từng cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa được hoán cải, cơi nới thùng.
Lợi dụng chủ trương này, nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã cơi nới thùng xe không đúng thiết kể để chở quá tải. Từ năm 2012, Thông tư 32/2012/TT- BGTVT quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tải tự đổ, ô tô xi téc, rơ moóc và sơ mi rơ moóc xi téc tham gia giao thông đường bộ và Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ngày 31/07/2012 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực mới có quy định giới hạn thùng chở hàng.
Thêm nữa, việc nhập khẩu những xe có tải trọng tải lớn lẽ ra không được phép nhập về nước bởi những xe có trọng tải lớn như vậy không phù hợp với loại hình đường bộ tại Việt Nam, nhưng Bộ Công thương vẫn cho nhập. Sau khi nhập xe về, việc kiểm soát trọng tải của các xe này cũng hầu như không được quan tâm chặt chẽ. Thực tế, không có doanh nghiệp nào nhập xe tải trọng 40 tấn về chỉ để chở 20 tấn. Và trên địa bàn cả nước thời gian qua đã xuất hiện tình trạng xe ben siêu trường, siêu trọng chở đất, cát chạy nghênh ngang trên đường phố, trong khi những xe này chỉ được lưu hành trong khu vực nhất định.
Để kiểm soát xe hoán cải, cơi nới thùng, vừa qua Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề nghị sửa đổi Thông tư 56/2012, trong đó yêu cầu đăng kiểm chụp ảnh thùng xe để đưa vào giấy đăng kiểm. Việc sửa đổi vừa kiểm soát được quá trình kiểm định, vừa kiểm tra được ngay lập tức xe đưa vào đăng kiểm có đúng kích cỡ thùng hàng đã đúng với thiết kế hay không để lực lượng kiểm tra trên đường như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng dễ dàng kiểm soát hơn.
Những xe đã cơi nới thùng hợp pháp trước thời điểm năm 2012 sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định trên tem có đóng dấu vạch đỏ để cơ quan tuần tra, kiểm tra dễ nhận biết, tập trung tăng cường kiểm tra tải trọng khi tham gia giao thông.
Thiếu quyết liệt hay “đối phó”?
Giải pháp tạm thời đã có song để ngăn chặn hiệu quả những “hung thần” phá đường, còn cần sự quyết tâm, kiên trì, phối hợp của lực lượng chức năng và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Quan sát của phóng viên PLVN tuần qua cho thấy có hiện tượng ô tô tải dừng thành hàng dài ngay bên đường, cố tình né tránh không đi qua nơi đặt bộ cân lưu động, chờ đến khi lực lượng chức năng tạm nghỉ mới tìm cách “lách” qua.
Bên cạnh đó, khi biết các lực lượng chức năng triển khai trạm cân, rất nhiều phương tiện nghỉ hoạt động, chờ đợi nghe ngóng tình hình. Việc các lái xe nhất định không qua trạm cân cho thấy, họ đang chờ đợi cơ quan chức năng nản lòng, hoặc có cách riêng để qua trạm mà không bị xử lý hạ tải và không ít lái xe đã đạt được ý đồ của mình.
Theo báo cáo của Tổng cục đường bộ, tính đến ngày 7/4/2014, 39 địa phương địa phương trên cả nước đưa bộ cân lưu động vào kiểm tra xe quá trọng tải thì mới kiểm tra được 4122 xe, trong đó mới chỉ có 750 xe vi phạm, chiếm 18,2 %.
Ông Nguyễn Xuân Cường, phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ cho biết tình trạng lái xe "né" trạm cân nguyên nhân là do các lực lượng chức năng địa phương, đặc biệt là lực lượng CSGT chưa quyết liệt "vào cuộc". Việc lấy lí do khó khăn về bến bãi sang tải, hạ tải tại các khu vực đạt trạm cân là không hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cánh lái xe kêu ca né tránh chấp hành.Bởi doanh nghiệp hay các lái xe biết rõ chở quá tải quá khổ là vi phạm thì việc sang tải, hạ tải có rất nhiều cách mà một số doanh nghiệp chấp hành thường làm. Nếu có bến bãi thì chẳng doanh nghiệp nào chịu bỏ thêm chi phí cho việc bến bãi…
Ông Cường cho rằng để ngăn chặn triệt để các xe quá khổ quá tải hàng ngày “tàn phá” đường giao thông thì cần sự quyết tâm chung tay cùng làm của các lực lượng. Bên cạnh đó, còn cần nhiều giải pháp đồng bộ như: Kiểm soát phương tiện từ khi nhập khẩu, đăng kiểm, kiểm soát nguồn hàng tại bến cảng, mỏ khoáng sản, vật liệu....
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa yêu cầu các địa phương triển khai một số giải pháp cấp bách như: Duy trì trạm cân 24/24 giờ; ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương và kinh phí từ xử phạt vi phạm để bảo đảm cho hoạt động cân xe. Khi phát hiện xe đã thay đổi kết cấu, hình dáng, kích thước không đúng quy định thì lập biên bản, tạm giữ giấy tờ xe, yêu cầu chủ xe tự tháo dỡ phần cải tạo và đưa xe đến Trung tâm Đăng kiểm gần nhất để kiểm tra. Phương tiện chỉ được lưu thông khi đã hạ tải, tháo dỡ phần cải tạo trái quy định.