Nhiều ngày liền, người dân ở thôn Ea M’roh chứng kiến cảnh dì ghẻ không tiếc tay đánh con chồng là cháu Nguyễn Duy Hùng Anh (SN 2004, hiện là học sinh lớp 4B trường tiểu học Bùi Thị Xuân). Những người hàng xóm đã nhiều lần qua nhắc nhở nhưng đều bị người mẹ kế này bỏ ngoài tai, còn buông những lời sỗ sàng thách thức. Đỉnh điểm của hành vi bạo hành là chị này đánh con chồng đến bầm dập thân thể, khi bị chồng mắng liền vác dao lam tấn công luôn cả chồng.
Tra tấn con chồng, vác dao lam tấn công chồng hờ
Phóng viên báo PLVN đã có mặt tại thôn Ea Mroh để tìm hiểu thông tin vụ việc. Người dân kể: Nhà cháu bé Nguyễn Duy Hùng Anh (SN 2004, hiện là học sinh lớp 4B trường tiểu học Bùi Thị Xuân) đối diện cổng trường tiểu học Bùi Thị Xuân và bên cạnh UBND xã Ea Mroh.
Mẹ kế Hồ Thị Thảo (SN 1983, ngụ xã Ea Mdroh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) làm nghề cắt tóc, lại buôn bán các hàng hóa bánh kẹo kèm theo, nên ngày nào cậu bé cũng bị mẹ kế bắt mang bánh kẹo hoa quả vào sân trường bán cho các bạn, vào các thời điểm đầu giờ học và giờ ra chơi.
Giờ ra chơi của buổi học chiều ngày 2/4, Thảo đi tìm gọi Hùng Anh khắp nơi vì không thấy con chồng về để mang hàng vào sân trường bán như mọi ngày. Khi nhìn thấy Hùng Anh đang cùng bạn đứng trong sân UBND xã để hái quả vú sữa, Thảo liền lấy roi đánh vào người đứa con riêng của chồng, sau đó lôi cổ xềnh xệch vào sân trường bắt mang sách vở về, không cho học nữa.
Vì sợ mẹ kế, cậu bé vào lớp lấy cặp sách, ngay sau đó bị mẹ kế đi theo cầm tay lôi từ trong trường lôi ra, sau đó vớ lấy cây gậy tre và bắt đầu quật liên tiếp vào người con chồng.
Chưa xong, Thảo lại lôi xềnh xệch đứa trẻ về đóng cửa đánh uỳnh uỵch trong nhà. Mọi người xung quanh nghe tiếng đứa bé van xin “xin dì tha cho con, mẹ ơi cứu con với”. Khi chị bán hàng bánh mỳ chạy qua hỏi thăm thì Thảo ngừng tay. Đứa trẻ được tha nhưng buổi chiều không được đi học nữa, phải mang hàng ra bán trước cổng trường.
Gần xế chiều, bố của Hùng Anh đi từ UBND xã ra thấy con trai bán hàng ở cổng trường đối diện, liền hỏi: “Sao giờ này con không vào lớp mà lại đứng bán hàng ở đây”? Nhìn đứa con lấm lét, hai tay bầm tím, ông bố biết con mình vừa bị đánh liền đi về nhà, lúc đó Thảo đang cắt tóc và cạo lông mày cho khách.
Bố đứa bé buông lời trách mắng: “Sao lại đánh thằng bé, không cho vào lớp học?”. Thảo không vừa, đáp trả: “Cho nó học làm gì lắm, vừa ngu vừa dốt, càng học càng ngu người đi”.
Cả hai lời qua tiếng lại một lúc thì xông vào nhau đánh đấm túi bụi. Cô vợ sẵn có con dao lam trong tay rạch lia lịa vào vai và tay chồng. Sự việc diễn ra quá nhanh, mọi người chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lúc đó chỉ thấy máu ở tay và vai của người đàn ông chảy ra xối xả, các vết thương hở toác cả thịt ra, người dân đang đi chợ ở ngã tư cạnh trường học rất đông cùng xúm lại đưa lên Bệnh viện huyện CưMgar cấp cứu.
Vết thương quá sâu, mọi người lại chuyển tiếp nạn nhân lên Bệnh viện Đa khoa Thiền Hạnh. Tại đây bố Hùng Anh phải khâu hơn 60 mũi vì bảy vết thương do dao lam rạch vào ở tay trái, lưng, nách; trong đó một vết thương dài 30cm, rộng 2cm làm đứt gân co duỗi trụ tay trái.
Cả làng kịch liệt lên án dì ghẻ độc ác
Quá kinh hãi và lo lắng cho số phận của Hùng Anh, ngay tối hôm đó, những hộ gia đình là tiểu thương ở chợ ngã tư Ea Mroh cũng là hàng xóm láng giềng nhà cháu bé đã cùng nhau tổ chức cuộc họp. Ai cũng lo lắng: Bố ruột vì bênh con mà bị mẹ kế dùng dao lam rạch như vậy, lỡ đâu một ngày không có ai bên cạnh, cháu Hùng Anh làm điều gì phật lòng sẽ bị mẹ kế đối xử đến cỡ nào?
Đối tượng Thảo đóng cửa quán sau khi gây ra chuyện động trời
|
Hàng ngày mọi người vẫn chứng kiến đứa trẻ bị mẹ kế đánh đập và bắt phải làm việc nhà. Không làm bị đánh, nhiều khi không có lý do gì cũng bị đánh. Tương lai đứa trẻ sẽ ra sao?
Trước khi cùng hợp sức tố cáo, một số người đã sợ hãi bàn lùi vì lo sợ tính cách hung dữ của Thảo. Trước đó chị này đã quá tao tiếng vì vụ cắn xé một cán bộ kiểm lâm. Với đời chồng đầu, cũng vì chị ta cả gan kề dao vào cổ chồng đe dọa nên mới người này mới “sợ quá” mà bỏ.
Tuy vậy, một số chị em quá bức xúc “thời buổi bây giờ không thể để cảnh mẹ ghẻ con chồng tàn nhẫn như thế được” nên đã cùng lên án Thảo. Nhóm phụ nữ này còn nêu phương châm “một người như mười, mười người như một”, nếu Thảo có gan đánh một ai để “trả thù” chuyện lên án thì tất cả chị em cùng phải vào cuộc để bảo vệ nhau.
Sau khi thống nhất quan điểm, tất cả những người phụ nữ ở khu chợ cóc ngã tư trường học Ea Mroh đã đồng lòng đứng ra làm chứng bảo vệ cháu Hùng Anh.
Sáng ngày 3/4, chợ Ea Mroh không họp, tiểu thương đóng cửa không buôn bán để đưa cháu bé lên nhà mẹ đẻ là chị Đinh Thị Nhung (SN 1982, ngụ xã Quảng Phú, huyện Cư Mgar). Tại nhà chị Nhung, chị mới bắt đầu vạch quần áo con lên. Tất cả mọi người ai cũng òa khóc. Khi nhìn thân thể cháu bầm dập các vết thương vừa mới vừa cũ chằng chịt đầy chân và lưng.
Lúc này, chị Nhung chỉ biết ôm con mà khóc nấc trong xót xa. Sau đó chị Nhung đưa cháu đi chụp hình để làm bằng chứng và làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Sau khi làm đơn trình báo mọi người cùng đưa Hùng Anh tới bệnh viện đa khoa Cư Mgar để điều trị các vết thương do gì ghẻ gây ra cho cháu.
Khi có những tấm hình trên tay những người dân địa phương đã mang đi dán khắp nơi, dán lên các quầy bán hàng, quầy bi a, trường học và UBND…kèm theo các khẩu hiệu “hãy trừng trị những phụ nữ tàn ác thời nay, trả lại hồn nhiên cho trẻ em”, “đã đảo mụ gì ghẻ độc ác, trả lại quyền tự do, quyền được sống cho trẻ em”.
Đứa bé về ở với dì ghẻ gần 3 năm nay. Nhưng ngày nào cháu cũng bị đánh đòn. Hùng Anh bị dì ghẻ bắt phải làm tất cả các công việc nhà. Ngày nào cháu cũng phải lau dọn nhà cửa, rửa những đống bát đĩa gia đình ăn từ sáng để lại. Ngày nào Thảo cũng phải bắt Hùng Anh đi bán hàng bánh kẹo trong sân trường. Từ Tết đến nay cháu bị đánh liên tục, vô cớ: Ăn cơm chậm cũng bị đánh, đi vệ sinh cá nhân lâu cũng bị lôi ra đánh.
Đi sâu tìm hiểu, phóng viên PLVN nhận ra một sự thật khác. Những trận đòn thời gian gần đây tần suất tăng lên còn vì một lý do khác: Dì ghẻ và bố của Hùng Anh đang “chiến tranh”. Chuyện Thảo và chồng đánh nhau, rồi khi bị đuổi đánh Thảo đứng ngay ngã tư chợ chửi bới thách thức chồng không phải là lạ với người địa phương. Người lớn xung đột, trẻ nhỏ “vạ lây” là như vậy...
(Còn tiếp)