Điển hình như trường hợp bệnh nhân có giới tính nữ, 66 tuổi ở Bắc Ninh. Bệnh nhân có tiền sử sức khỏe bình thường, làm nghề nông và có thói quen tự điều trị bằng thuốc bắt mạch mỗi khi cảm thấy mệt mỏi. Khoảng hai tháng trước khi nhập viện, bà bắt đầu tự cắt thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để uống với liều lượng rất cao: 50 viên mỗi lần, hai lần mỗi ngày, trong vòng 20 ngày liên tục.
Sau khi sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe của bà ngày càng suy giảm, với các triệu chứng rõ rệt như mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, và nước tiểu sẫm màu. Mặc dù đã được chăm sóc và điều trị 3 tuần ở 2 cơ sở y tế tuyến trước nhưng tình trạng người bệnh vẫn tiến triển xấu đi, với dấu hiệu suy gan rõ rệt: chỉ số vàng da tăng lên gần 200 (gấp 15 lần bình thường) và men gan đạt mức (gấp 20 lần so với bình thường).
Khi nhập viện tại Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bà được chỉ định làm các xét nghiệm viêm gan thông thường như viêm gan A, B, C, E, và viêm gan tự miễn. Kết quả xét nghiệm đều âm tính, khiến các bác sĩ nghi ngờ tình trạng của bà là do ngộ độc thuốc Đông y, gây ra viêm gan nhiễm độc cấp
Sau 10 ngày điều trị tích cực với các thuốc nội khoa để nâng đỡ chức năng gan, tình trạng của bệnh nhân đã có sự cải thiện đáng kể. Chỉ số vàng da giảm xuống còn hơn 100 (gấp 10 lần bình thường) và men gan hạ xuống còn khoảng 400. Bệnh nhân đã dần ổn định, có thể ăn uống tốt hơn và nước tiểu trở lại màu sắc bình thường.
Trường hợp thứ 2, bệnh nhân giới tính nữ, 54 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, thường xuyên sử dụng thuốc điều chế mua trên mạng, kết hợp với việc uống lá đu đủ và củ ráy để tự điều trị. Bà đã sử dụng thuốc liên tục trong hơn một tháng và ngưng sử dụng gần hai tháng trước khi nhập viện.
Khoảng 20 ngày trước khi nhập viện, bà cảm thấy mệt mỏi và ăn uống kém, dẫn đến việc đi khám và phát hiện men gan tăng cao, và có chỉ định nhập viện tại Khoa Viêm gan để điều trị.
Cũng giống như trường hợp trên, các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm viêm gan thông thường và viêm gan tự miễn, tất cả đều cho kết quả âm tính. Dựa trên triệu chứng và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm gan nhiễm độc cấp nghi do thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp nhiễm độc gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc.
Theo bác sĩ Vũ Thị Hương Giang - Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cùng một bệnh lý về gan nhưng có thể biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào thành phần thuốc và phản ứng của cơ thể. Gan có nhiều chức năng khác nhau, vì vậy, sự tổn thương ở mỗi bệnh nhân cũng có thể khác nhau, ví dụ như suy chức năng tạo mật (gây vàng da, vàng mắt), suy chức năng đông máu (dễ chảy máu và máu khó đông), hoặc tổn thương tế bào gan (làm tăng men gan).
Bác sĩ Giang cũng nhấn mạnh: “Bệnh nhân tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo tràn lan trên mạng, và nếu muốn điều trị bằng Đông y, cần phải đến các cơ sở uy tín để được tư vấn và điều trị”.