Theo thống kê, tính đến nay đã có 12 công ty và 56 chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư bị liệt vào danh sách điều tra của Viện công tố Rietti, nơi có các địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và của (làm chết 297 người, trong đó hơn 250 người thiệt mạng ở 2 thị trấn) do trận động đất gây ra.
Mafia thò tay...
Đây là những cái tên cụ thể đầu tiên bị đưa vào danh sách điều tra, liên quan đến trách nhiệm trong việc hàng trăm công trình xây dựng bị sụp đổ trong trận động đất kể trên. Cơ quan chống mafia và khủng bố quốc gia Italia từng cảnh báo, chính quyền các cấp cần lưu ý khả năng mafia can thiệp vào những hợp đồng tái thiết trị giá hàng triệu euro với sự tiếp tay của các quan chức tha hóa.
Bởi mafia vẫn có mặt trong những công trình tái thiết đất nước sau các trận động đất năm 2009 và 2012. Theo ước tính, trận động đất hôm 24-8 gây thiệt hại trên 4 tỷ euro. Và việc khắc phục hậu quả có thể lên tới 9 tỷ euro. Thủ tướng Matteo Renzi khẳng định, sẽ phải mất nhiều năm và nguồn vốn lớn để hoàn thành “Dự án ngôi nhà Italia".
Tờ La Stampa vừa cho biết, vì không có nhân viên nên Thị trưởng Pinuccio Chelo của thị trấn Zerfaliu đã phải cùng cộng sự dọn dẹp đường phố. Và giải quyết cuộc khủng hoảng rác nghiêm trọng ở thủ đô Rome là ưu tiên hàng đầu của Thị trưởng Virginia Raggi, người vừa được bầu hồi tháng 6. Nữ Thị trưởng phải chống lại “bức tường” tham nhũng được ví cao như những đống rác ở Rome.
Bởi tội phạm có tổ chức đã nắm hệ thống quản lý chất thải (AMA) ở Rome quá lâu. AMA đang nợ khoảng 600 triệu euro và công ty vệ sinh này có khoảng 7.500 nhân viên không được đào tạo nghề, họ không đủ năng lực xử lý các loại rác thải thu được.
Gần 5 tháng trước (25-5), cảnh sát đã bắt 14 người, bao gồm các doanh nhân và chuyên gia có liên quan đến tiêu hủy trái phép 250 tấn rác thải. Và số đối tượng liên quan bị bắt giữ lên đến 45 người.
Công nhân đang cố thu gom đống rác rưởi bị người biểu tình vứt ra đường |
Lũng đoạn
Dư luận Italia đã và đang lo lắng về “mafia rác”. Bởi theo ông Michele Buonomo, người đứng đầu chi nhánh Campania của Hiệp hội bảo vệ môi trường Italia (Legambiente), mức độ tàn phá của những bãi rác thải độc hại được chôn lậu ở xứ Campania là một dạng "Chernobyl của Italia".
Thứ trưởng Quốc phòng Gioacchino Alfano từng cho biết, Chính phủ phải điều quân đội để giải quyết “mafia rác” và đây không phải lần đầu tiên Italia phải mở chiến dịch để xử lý vấn nạn này.
Bộ trưởng Môi trường Gian Luca Galletti từng phải triệu tập một cuộc họp khẩn với lực lượng cảnh sát môi trường, kiểm lâm và chuyên gia môi trường để tìm phương án giải quyết thảm họa lớn về môi sinh có thể đe dọa một vùng rộng lớn sau khi cơ quan chức năng phát hiện một bãi rác công nghiệp độc hại lớn nhất châu Âu được phát hiện ở gần Caserta, xứ Campania, cách thủ đô Rome gần 200km về phía Nam.
Số rác kể trên chiếm tới 25ha (khoảng 25 sân bóng đá), có chỗ được chôn sâu tới 9m. Thượng nghị sỹ Paola Nugnes của đảng Phong trào 5 Sao cho rằng, từ Camora (mafia xứ Campania), giới doanh nghiệp cho đến giới chính trị đều phải chịu trách nhiệm về vụ bê bối này./.
Cơ quan quản lý và xử lý rác thải hạt nhân Italia (ENEA) là địa chỉ duy nhất được chính phủ Italia giao nhiệm vụ thu gom, xử lý và quản lý rác thải hạt nhân được thải ra từ các nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở sản xuất có sử dụng nguồn nguyên liệu hạt nhân.
Và từ năm 2000, khi nhận thấy đây là món hàng kinh doanh béo bở nên Ndrangheta tìm cách móc ngoặc, thậm chí gây áp lực với một số quan chức chủ chốt của ENEA để tuồn rác thải hạt nhân nhập từ Thụy Sĩ, Đức và Pháp về Italia để giao cho ENEA xử lý./.