Doanh nghiệp muốn giảm lãi suất xuống sâu hơn mức 15% /năm hiện tại, thậm chí ở mức 8 – 10%/năm đối với lãi vay ngắn hạn. Tuy nhiên, lãi suất ở mức nào là phù hợp?. Liệu có thể giảm đến mức nào thì giảm tùy thích?.
hình minh họa |
DN đừng chỉ “trông mong” vốn ở ngân hàng
Anh Lê Anh Tuấn là giám đốc một công ty cơ khí ở Hải Phòng. Có vốn, nên DN của anh không quá phục thuộc vào vốn vay ngân hàng, nhưng cơn lốc tín dụng thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến các bạn hàng của anh, khiến cho các khoản nợ có xu hướng ngày một khó đòi.
“Không phải vay ngân hàng, tôi chỉ mong tính lãi lấy vài phần trăm trên tổng chi phí. Nhiều lúc thấy ái ngại vì lãi vay tới hơn 20% thì làm sao DN chịu nổi. Giờ lãi vay giảm xuống, nhưng các DN bắt đầu đuối sức sau một thời gian gồng mình với lãi vay cao, cộng với nền kinh tế khó khăn, nên dù lãi vay có hạ xuống thì cũng không còn nhiều ý nghĩa đối với không ít DN” – anh Tuấn phàn nàn.
“Ngay cả điều kiện để được hưỡng lãi suất “dễ chịu hơn” cũng không hề dễ chút nào, khi ngân hàng đòi hỏi DN phải “tốt” theo đánh giá của ngân hàng hoặc các tổ chức đánh giá uy tín” – chị Ngọc Mai, chủ một DN dệt may ở Hải Phòng, bày tỏ - “DN “tốt”, “khỏe” thì cần gì hỗ trợ, mà chính ngân hàng còn phải tìm đến họ. DN yếu, khó khăn, có nguy cơ đổ vỡ thì mới cần hỗ trợ, mà ngân hàng lại không thể cho các DN này vay vì nguy cơ đó”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng – Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Vietinbank, cũng đồng ý với quan điểm là với các DN yếu và khó khăn rất cần có sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, trong đó có ngành ngân hàng. VietinBank luôn tích cực trong việc xem xét hỗ trợ vốn cho các DN, đặc biệt là các DN là các khách hàng truyền thống, đã gắn bó với VietinBank nhiều năm. Thực tế chỉ tính việc giảm lãi suất VietinBank đã hỗ trợ DN một khoản ước tính 1.500 - 1800 tỷ đồng/năm.
“Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận mỗi một ngân hàng thương mại cũng là một DN. Do vậy, chúng tôi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu kinh doanh đã đặt ra, qua đó đảm bảo được quyền lợi cho các cổ đông và người lao động” – ông Thắng nói – “Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng bên cạnh sự giúp đỡ từ ngân hàng, các DN cũng cần tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác, đồng thời cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính, nhằm hạn chế thấp nhất tổn thất có thể xảy ra”.
Có giảm nữa không?
Nhìn nhận về khả năng giảm lãi suất thấp hơn, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, đưa ra phép tính, giả định lãi suất huy động ngoại tệ trung bình 4%/năm trừ đi lạm phát của Mỹ 2%/năm, cộng lạm phát của Việt Nam 5%/năm và rủi ro hối đoái 2%/năm, trong khi lãi suất huy động VND bình quân 11%/năm, thì chênh lệch thực tế giữa lãi suất VND và ngoại tệ là 2%/năm. “Đây là dư địa duy nhất còn lại để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất.
Tuy nhiên, dư địa này cũng rất mong manh vì chỉ số lạm phát của Việt Nam có 40% trọng số là lương thực thực phẩm thường tăng lên theo mùa vụ đặc biệt là cuối năm. "Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước trên thực tế chỉ còn dư địa 1% để điều chỉnh lãi suất từ nay đến cuối năm” – ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, nếu lãi suất xuống thấp hơn, dân chúng, DN và ngân hàng sẽ dịch chuyển tài sản ngược lại từ nội tệ sang ngoại tệ và tỷ giá hối đoái sẽ biến động mạnh và có thể gây những bất ổn kinh tế vĩ mô nghiêm trọng. Ngoài ra, nợ xấu cũng là một yếu tố khiến cho các ngân hàng thương mại không thể giảm lãi suất cho vay xuống mặc dù lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh vì họ phải trích lập dự phòng rủi ro và tăng chi phí xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Đại Lai – chuyên gia tài chính độc lập, nhận định, lãi suất thấp hay cao suy cho cùng là phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của người vay, tuy nhiên, “khả năng này lại tùy thuộc vào lạm phát, lãi suất huy động, chi phí hoạt động của ngân hàng”.
Bách Linh