Theo các doanh nghiệp, lãi suất cho vay phải hạ về mức 10%/năm thì doanh nghiệp mới có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng gánh nặng lãi suất mà nền kinh tế đang phải trả cho ngành ngân hàng (NH) hiện rất đáng lo. “Lãi suất cho vay cao khó kích thích doanh nghiệp (DN) đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và còn làm tăng nợ xấu đối với DN đang cố gắng phục hồi sản xuất…” - TS Trần Du Lịch bày tỏ.
Gánh nặng lãi suất
Theo tính toán của TS Trần Du Lịch, nếu tính tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế là 2,7 triệu tỉ đồng, lãi suất cho vay bình quân khoảng 15%/năm thì mỗi năm, nền kinh tế phải trả lãi cho NH gần 20 tỉ USD - mức lãi này không một nền kinh tế nào chịu nổi.
Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng 20 tỉ USD tiền lãi nền kinh tế phải trả cho hệ thống NH mỗi năm bao gồm cả chi phí huy động vốn từ dân cư, chi phí hoạt động của NH. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ kinh tế, một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng sẽ tạo nên gánh nặng tài chính lớn, nhất là khi chiếm hơn 16% GDP cả nước. “Tại Mỹ, các DN trả lãi vay rất thấp, từ 3%-5%/năm. Ở Việt Nam, phải vay vốn với lãi suất trung bình từ 12%-15%/năm khiến gánh nặng tài chính đè lên các DN, kết quả là không ít DN chịu đựng không nổi phải phá sản” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Lãi suất vay quá cao, liên tục trong nhiều năm đang gây những tác hại xấu đối với nền kinh tế, DN giảm sức cạnh tranh, phá sản. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, lãi suất luôn là gánh nặng đối với các DN. Nếu giai đoạn năm 2009-2010 DN còn sức lực, cầm cự được thì từ năm 2011 trở đi đều chịu đựng không nổi, kiệt quệ… Chỉ trong 2 năm 2011-2012, số lượng DN phá sản, ngừng hoạt động lên đến 100.000 DN và chưa dừng lại trong những tháng đầu năm 2013.
Ông Đỗ Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết mức lãi suất cho vay hiện nay trên 10%/năm là quá cao. “Trong khi DN nước ngoài vay vốn với lãi suất 3%-5%/năm, DN nội lại vay với lãi suất quá cao vô tình trở thành rào cản, ảnh hưởng đến giá thành và hạn chế sức cạnh tranh. Nếu lãi suất không cao, DN ngành thép sẽ có nhiều cơ hội hơn” - ông Thái nói.
Trong 2 năm qua, khi chính sách tiền tệ thắt chặt đẩy lãi suất lên cao để chống lạm phát khiến ngành thép lao đao, DN phá sản nhiều. Vì vậy, DN ngành thép đều mong giảm lãi suất cho vay, nếu về mức 8%/năm sẽ giúp DN hồi phục nhanh.
Hạ lãi suất, tăng sức cạnh tranh cho DN
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, đến năm 2015, khi các hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN, ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực, hàng hóa các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và nhất là Trung Quốc tràn vào, được hưởng thuế suất 0% liệu DN trong nước có cạnh tranh nổi? Lúc này, lẽ ra DN trong nước phải tập trung đầu tư cho máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, vay vốn để đầu tư trung, dài hạn chuẩn bị cho cột mốc năm 2015 thì DN lại chỉ vay ngắn hạn.
“Không dám vay để đầu tư vì lãi suất quá cao, nguồn vốn trung, dài hạn của các NH cũng hạn chế làm sao DN nội cạnh tranh được với đối thủ” - ông Hưng lo lắng. Lãnh đạo hiệp hội cho rằng cần kiểm soát lạm phát thấp để có cơ sở hạ lãi suất, kéo lãi suất cho vay về mức 8%-9%/năm.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, các NH cần giảm chi phí hoạt động, quản trị để hạ lãi suất cho vay. DN cũng nên tập trung huy động vốn thêm từ các nguồn như phát hành trái phiếu thông qua thị trường chứng khoán… “Với mức lãi suất huy động 8%/năm, lạm phát kiểm soát dưới 8%, DN sẽ chịu đựng được mức lãi suất 10%-10,5%” - TS Phong nói.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nếu có thể kiểm soát lạm phát ở mức 5%, lãi suất huy động giảm còn 7%/năm giúp lãi suất cho vay kéo về mức 10%/năm là công thức lý tưởng, hỗ trợ tốt cho DN và nền kinh tế. Nhưng đây là thách thức không nhỏ, bởi muốn kiểm soát lạm phát, Nhà nước cần quản lý kinh tế vĩ mô tốt hơn, khắt khe hơn với đầu tư công, chi tiêu của Chính phủ…
Quá lệ thuộc vốn ngân hàng Ở các nước, nguồn vốn hoạt động của DN có thể đến từ vốn tự có, vốn huy động từ thị trường chứng khoán và các nguồn khác, còn vốn vay từ NH chỉ chiếm 1 phần. Còn DN Việt Nam quá phụ thuộc vào tín dụng NH nên gặp nhiều khó khăn. Khi đó, DN phải huy động vốn qua trung gian, NH cũng phải chịu nhiều rủi ro vì huy động xong phải tìm người vay, tập trung quá nhiều vốn cho DN… “Khi các dòng vốn cung cấp ra nền kinh tế đều xuất phát từ NH tạo nên sự tập trung quá mức, chiếm tỉ trọng tài chính lớn để tạo rủi ro cho nền kinh tế” - chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nói. |
Theo NLĐO