Nhiều vướng mắc khi xét miễn, giảm
Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 2 Thông tư liên tịch số 12.
Có điều, trong quá trình xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước đủ điều kiện theo quy định tại Điều 61 Luật THADS thì riêng việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án đang có nhiều quan điểm khác nhau do Thông tư liên tịch số 12 vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Điều này khiến cho cơ quan THADS địa phương gặp nhiều lúng túng trong quá trình kiểm tra, rà soát các hồ sơ thi hành án đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS. Chẳng hạn, khoản tiền lãi suất chậm thi hành án nếu để trong một thời gian dài (chẳng hạn, 5 năm hoặc 10 năm) để đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án thì khoản tiền lãi suất nói trên là không nhỏ, thậm chí có trường hợp còn lớn hơn cả nghĩa vụ phải thi hành cho ngân sách nhà nước ban đầu.
Đáng chú ý, nhiều bản án tuyên phần lãi suất chậm thi hành án đối với người phải thi hành án và sau 5 năm khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách với số tiền rất lớn nên không thỏa mãn điều kiện (số tiền dưới 2 triệu đồng) và trong thời hạn 5 năm để được xét miễn, dẫn đến lượng án bị tồn đọng kéo dài, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án.
Trước mắt, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc cho địa phương, Tổng cục THADS sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn chung toàn quốc về việc tính lãi suất chậm thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan (như Bộ Tài chính, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC…).
Sẽ giảm áp lực về tỷ lệ thi hành án xong
Từ thực tiễn, bà Nguyễn Thị Thái Linh (Chi cục THADS TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi và quy định cụ thể việc xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có tuyên về lãi suất chậm thi hành án của khoản thu nộp ngân sách nhà nước, khi xem xét miễn giảm chỉ căn cứ vào tổng giá trị khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước (phần gốc) để xác định điều kiện, thời hạn được xét miễn, giảm không bao gồm phần lãi chậm thi hành án. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể mang tính đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành và có tính thực thi trong thực tiễn áp dụng.
Ths Lê Thị Thủy (VKSND huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) thì kiến nghị cụ thể hơn: Đối với khoản lãi chậm thi hành án, cần hướng dẫn về việc có tính lãi suất chậm thi hành án vào khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án hay không.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người phải thi hành án cũng như thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù thì có thể cân nhắc, xem xét tách riêng 2 khoản nói trên để xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS.
Trong trường hợp vẫn quy định cộng gộp cả hai khoản trên thì nếu khoản phải thi hành án dưới 5 triệu đồng thì xem xét cho phép miễn nghĩa vụ thi hành án khi đủ thời gian theo quy định mà không tính khoản lãi suất chậm thi hành án.
Bên cạnh đó, cần phải sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Thông tư liên tịch số 12 theo hướng trên để vừa tháo gỡ khó khăn cho cơ quan THADS địa phương, vừa đảm bảo quyền lợi cho những người có khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước dưới 5 triệu đồng nhưng lại không được xét miễn nghĩa vụ thi hành án.
Còn đối với quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật THADS năm 2014, cần sửa đổi theo hướng mở rộng diện đối tượng được giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước còn lại có giá trị từ 5 – 10 triệu đồng như sau: “Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án”.
“Như vậy, các quy định về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước sẽ phù hợp với thực tế hơn, giảm lượng án tồn đọng hàng năm; không tạo ra áp lực về tỷ lệ thi hành án xong về việc, về tiền cho cơ quan THADS ở địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác này” – bà Thủy chia sẻ.