Tạo nhận thức đồng bộ về TGPL
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, đại diện TAND TP Hà Nội cho biết đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành mình theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC. Cán bộ, công chức khi tiến hành tố tụng đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về TGPL Nhà nước trong hoạt động tố tụng. Sự phối hợp trong hoạt động liên ngành đã thường xuyên được củng cố và chặt chẽ hơn.
Việc phát hiện đối tượng trong diện được TGPL trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chưa thực sự được chú ý đúng mức khi so sánh với các dịch vụ pháp lý khác. Thực tế khi tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức hai cấp TAND phát hiện, nhận diện đối tượng được TGPL và hướng dẫn nhưng đương sự vẫn từ chối và lựa chọn hình thức TGPL khác như thuê, mời luật sư, nhờ bào chữa viên nhân dân, nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích cho mình. Nhận thức về các nhóm đối tượng được TGPL chưa thực sự thống nhất như trường hợp người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV nhưng phải khó khăn về tài chính…
Với thực trạng trên, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu như: nhận thức của người dân về TGPL chưa đầy đủ, giấy tờ để chứng minh thuộc đối tượng được TGPL còn nhiều cách hiểu, thủ tục rườm rà, tốn chi phí nên nhiều trường hợp thuộc đối tượng được TGPL nhưng từ chối. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp với cơ quan tố tụng chưa đạt hiệu quả cao. Trình độ năng lực của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhận định các cơ quan tố tụng cấp quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai khá hiệu quả Luật TGPL 2017, bước đầu đưa Luật đi vào cuộc sống, tuy nhiên, so với yêu cầu của Luật, của người dân và toàn xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng kết quả TGPL trong tố tụng thời gian qua còn nhiều hạn chế. Do vậy, bên cạnh các Luật về tố tụng, Thứ trưởng mong muốn các cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hiệu quả các quy định của Luật TGPL, đặc biệt là các quy định mới để đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân. Ngoài ra, cần có số liệu thống kê cụ thể về số vụ việc người dân từ chối được TGPL, qua đó phân tích nguyên nhân, nhận diện đâu là rào cản từ đó điều chỉnh về mặt thể chế cho phù hợp.
Tăng cường sự gắn kết giữa các ngành
Tiếp đó, tại buổi kiểm tra tại Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết Hội đồng đã triển khai nhiều hoạt động và đạt kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ngành thành viên Hội đồng, các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp TP đến cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tam giam, bị can, bị cáo và các đối tượng khác biết về quyền được TGPL.
Ghi nhận kết quả trên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá các hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành cơ bản đã đáp ứng được quyền lợi của người được TGPL. Tuy nhiên, số lượng vụ việc TGPL còn rất ít, do vậy cần nghiên cứu, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra và quản lý nhà nước đối với hoạt động này.