Cơ quan Điều tra Công an huyện Nam Đàn, Nghệ An, vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 58 bị cáo về tội “tổ chức đánh bạc”; “gá bạc”; “đánh bạc”. Trong đó, gần 40 bị can bị khởi tố (nhiều người bị tạm giữ, tạm giam) theo dạng “truy xét” vì bị cho rằng đã tham gia vào nhiều chiếu bạc từ... vài tháng trước.
“Bắt quả tang” hay bắt “hớ”?
Theo Kết luận điều tra, vụ án bắt nguồn từ việc tối 1/2/2012, Công an huyện Nam Đàn “bắt quả tang” 18 người đánh bạc bằng hình thức “xóc đĩa” tại nhà Tống Văn Chung (Khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn). Hiện vật thu được là 4 mảnh giấy hình tròn, 1 chiếc chiếu nhựa, số tiền đánh bạc là 14,7 triệu đồng. Từ đây, CQĐT đã tạm giữ, khởi tố và tạm giam các “con bạc” về tội “đánh bạc”; 3 người được coi là canh gác cho sới bạc này cũng bị khởi tố, bắt giam. Riêng chủ nhà Tống Văn Chung còn bị khởi tố thêm tội “gá bạc”.
Không đồng ý với kết luận trên, ông Ngũ Văn Ký (SN 1955), 1 trong những người bị coi là bị “bắt quả tang” cho hay: “Tối 1/2/2012, chúng tôi đang ngồi uống nước tại nhà anh Chung thì công an ập vào, bắt mọi người ngồi im rồi khám xét từng người vì họ cho rằng chúng tôi đang đánh bạc”.
Còn ông Ngũ Ngọc Thức cho biết:“Tối đó, tôi đang nằm nghỉ trên giường nhà anh Chung thì Công an xông vào, bắt tôi ngồi dậy và khám xét; có anh Đoàn Chí Giáp ngủ trên gác xép cũng bị lôi xuống lập biên bản. Tôi không biết Công an thu được 4 mảnh giấy hình tròn ở đâu chứ còn chiếu ngồi thì nhà ai chẳng có”.
Không bị bắt trong nhà như mọi người, anh Trần Văn Thụ (SN 1977) kể: “Tôi đang đi ra ngõ nhà anh Chung thì gặp công an xông vào bắt giữ lôi ra xe ô tô. Một lúc sau tôi bị dẫn quay trở lại nhà anh Chung lập biên bản, khám ví tiền”.
Như vậy, cái gọi là “bắt quả tang” theo quan điểm của CQĐT đang có những thông tin trái chiều. Bất ngờ ở chỗ, tuy gọi là “bắt quả tang” nhưng bát, đĩa - tang vật rất quan trọng trong vụ đánh bạc - lại không bị công an thu giữ tại chỗ".
Bà Hà Thị Mạo - mẹ anh Chung cho hay: "Tối 1/2/2012, tôi không ngủ ở nhà. Hôm sau về tôi mới biết việc công an vào nhà tôi rồi bắt giam một số người, trong đó có con tôi. Chồng tôi mang cơm lên nhà giam của công an huyện tiếp tế cho con thì được các anh công an nhắn “mang bát đĩa lên nộp thì thả Chung ra”. Tôi cũng chẳng biết bát, đĩa như thế nào nên gần 1 tháng sau mới đem 1 bát sứ và 1 đĩa nhựa lên nộp thì họ bảo “phải nộp đĩa sứ”. Thế là tôi lại về lấy cái đĩa sứ trong rổ bát đĩa của nhà mang lên nộp.
Bà Mạo đã lấy một bộ bát đĩa mà gia đình sử dụng hàng ngày để nộp cho công an. |
Bản thân Cơ quan CSĐT cũng thừa nhận, bộ bát đĩa không thu giữ được tại hiện trường mà do “bà Hà Thị Mạo tự nguyện giao nộp”. Lạ thay, hàng chục công an có mặt tại nhà bà Mạo còn chẳng thu được bộ bát, đĩa mà lại coi bộ bát đĩa do bà Mạo, người không biết các bị can đánh bạc như thế nào, giao nộp là chứng cứ của vụ án, rồi dùng nó để quy tội cho các bị can.
Khi đề cập đến chi tiết trên, ông Hoàng Văn Sơn - Viện trưởng VKSND huyện Nam Đàn tỏ ra khá ngạc nhiên: “Tôi sẽ yêu cầu Kiểm sát viên kiểm tra lại chi tiết này xem có đúng là bắt quả tang hay không?”.
Những vụ đánh bạc “3 không”
Từ việc bị tạm giữ, tạm giam tối 1/2/2012, một loạt các bị can đã “tự nguyện” khai ra những chiếu bạc mình tham gia trước đó hàng tháng. Thế là, CQĐT khởi tố, bắt tạm giam hoặc truy nã hàng chục người khác vì cho rằng họ đã tham gia vào 7 chiếu bạc khác nhau. Tuy nhiên, có những chiếu bạc mà CQĐT không thể làm rõ được nó đã diễn ra vào ngày nào.
Khi đã được tại ngoại, một số bị can đã phản cung và cho rằng, việc mình khai nhận đã đánh bạc, khai số tiền mình dùng để đánh bạc hay khai ra một số người khác cùng tham gia đánh bạc, nộp tiền cho công an... là do bị điều tra viên đánh đập, ép cung.
Chưa biết nội dung tố cáo trên xác thực đến đâu nhưng có thể thấy, cho dù các bị can có “tự nguyện” khai về số tiền bản thân mình đã đánh bạc thì cũng không thể chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội này để “cộng dồn” tiền nhằm quy kết quy mô chiếu bạc hơn 2 triệu đồng rồi xử lý hình sự được. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án”.
Nhưng trong vụ án này, mỗi bị can chỉ có lời khai hoặc tự nộp số tiền bản thân họ tham gia vào sới bạc mà không có chứng cứ khác để xem lời khai này “có phù hợp” hay không?. Nhiều người đặt nghi vấn, nếu dễ dàng chấp nhận lời tự khai như trên thì CQĐT làm sao có thể biết được ai đó cố tình khai “khống” số tiền mình đánh bạc lên với mục đích "tống" cả "chiếu bạc" vào tù?.
Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng quy định cách tính “tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm: tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Thế nhưng, trong 7 chiếu bạc bị “truy xét”, cơ quan CSĐT đã không thu giữ được bất kỳ khoản tiền đánh bạc nào tại chiếu bạc hoặc trong người các con bạc. Tuy khám nhà bị can Ngũ Thị Sỹ (bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc), CQĐT có thu được 9,3 triệu đồng nhưng bị can này lại không tham gia đánh bạc cùng các bị can khác. Vì vậy, số tiền 9,3 triệu này cũng không thể coi là hiện vật dùng để đánh bạc.
Bản thân ông Hoàng Văn Sơn cũng thừa nhận: “Tôi đã thực hiện kiểm sát nhiều loại án khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy án đánh bạc làm theo kiểu “truy xét”. Còn nhiều người dân địa phương thì nói vui, đây là những vụ đánh bạc “3 không”: không hiện trường, không tang vật và không ngày tháng.
Khoa Lâm