Tình cảm với người đã ngã xuống
Tốt nghiệp loại giỏi Trường Sỹ quan Pháo binh, được phong thiếu úy và giữ lại làm cán bộ giảng dạy, sĩ quan Phạm Uy là một trong những lứa cán bộ đầu khi Trường Sỹ quan Cao xạ - Tên lửa được thành lập.
Tháng 4/1971, ông được biệt phái theo đoàn sĩ quan 17 người của Quân chủng Phòng không – Không quân vào khảo sát cách đánh B52 trên đường mòn Hồ Chí Minh. Ngày 15/5/1972 ông trúng bom bi, hy sinh sau bốn ngày hôn mê.
Tại triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai”, anh Phạm Vinh Quang (SN 1979, cán bộ Bộ Xây dựng), cháu trai liệt sĩ Phạm Uy bùi ngùi chia sẻ: “Xem những kỷ vật về bác, ký ức lại ùi về. Từ nhỏ, tôi đã được nghe bố kể về bác rất nhiều và chính bố tôi cũng là người vào Quảng Trị để đưa di cốt bác về. Gia đình tôi có truyền thống đấu tranh phụng sự Tổ quốc. Noi gương anh trai, bố tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam rất lâu. Thế hệ tôi có chị gái cũng tham gia quân ngũ…”.
Lai Xá có nhiều người con đã nằm lại nơi chiến trường trong cả hai cuộc kháng chiến, lẫn trong chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Thế nhưng phần lớn ký ức đã dần nhạt nhòa theo thời gian vì ngày ấy, khi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, những liệt sĩ là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người trong số họ còn chưa lập gia đình. Mất mát đau đớn ập về, nhiều gia đình giấu giếm hay huỷ đi các kỷ vật, các bức ảnh để tránh sự đau thương, mất mát quá lớn. Thời gian trôi đi, bố mẹ các liệt sĩ lần lượt qua đời, đàn em lớn lên nhớ về các anh trong ký ức mờ nhạt. Những tấm ảnh ngày một hoen ố, thất lạc. Nhiều liệt sĩ còn chưa tìm thấy hài cốt…
Triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai” đã ra đời như thế. Cả làng có gần 50 liệt sĩ trong ba cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, thế nhưng trong triển lãm này chỉ còn hình ảnh, câu chuyện của 20 liệt sĩ. Một nhóm sinh viên của Khoa Di sản văn hoá, Đại học Văn hoá Hà Nội, trong suốt một tháng hè, đã đến từng gia đình liệt sĩ ở Lai Xá, nghe người thân kể những câu chuyện về liệt sĩ, về mong ước tìm hài cốt đưa về quê cha đất tổ. Mỗi gia đình có những hoàn cảnh riêng, người nhớ nhiều, người nhớ ít, gia đình còn có ảnh hoặc không có ảnh liệt sĩ, nhưng tất cả đều giữ tình cảm sâu nặng với những người đã ngã xuống…
Nhớ thương ở lại
Đây là câu chuyện của liệt sĩ Phạm Gia Kim, bộ đội thời chống Pháp, tái ngũ năm 1966. Trong lần cuối về thăm nhà, ông đã bế đứa con trai của mình là Phạm Văn Thắng và năm 1969 ông hy sinh ở mặt trận phía Nam. Có mặt trong buổi khai mạc triển lãm ngày 25/7, ông Phạm Văn Thắng rưng rưng nhìn bức ảnh cuối cùng của mình với cha.
Trong lá thư đề ngày 30/3/1969 của liệt sĩ gửi từ chiến trường gửi về cho vợ, bà Nguyễn Thị Hằng sau những cuộc hành quân chiến đấu dài qua Lào, Campuchia, ông viết: “Vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước anh phải đi, em cũng thông cảm cho anh, em nhé. Vì miền Nam ruột thịt em ạ. Thôi, anh tạm dừng bút. Anh chúc em khoẻ, nuôi con ngoan… bố đi đánh Mỹ, thống nhất bố về với con. Nhớ em, anh để trong lòng. Thương em, anh cũng đành lòng mà đi”.
Lá thư theo thời gian đã in hằn vết tích tháng năm. Thế nhưng, ẩn sau những dòng chữ ố vàng, nhòe mờ là biết bao những nỗi niềm của người ở lại và để ngày hôm nay, nước mắt tự lúc nào đã lấp lánh trên khóe mắt của người đàn ông tuổi gần lục tuần, con trai liệt sĩ.
Đây là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bích, 72 tuổi, vợ liệt sĩ Trần Ngọc Dem. Ông Dem là người Campuchia. Năm 13 tuổi, ông tập kết ra Bắc học tập theo diện học sinh miền Nam. Học hết lớp 9, ông Dem nhập ngũ.
Năm 1970, ông bà cưới nhau và có một người con. Sau đó, ông nhận lệnh sang chiến đấu tại Campuchia, lúc đó người con mới hai tháng tuổi. Đến năm 1982, gia đình bà Bích mới nhận được giấy báo tử. Sau 50 năm chồng ra đi nơi chiến trường nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt để thắp nén nhang lên mộ.
Người phụ nữ 77 tuổi này cho đến bây giờ trong lòng vẫn chất chứa biết bao nỗi niềm. Các bức ảnh, các kỷ vật về người chồng vẫn được bà lưu giữ trong chiếc hộp gỗ nhỏ ở nhà. Mỗi dịp như thế này, nỗi nhớ khôn nguôi lại ùa về trong người phụ nữ ấy….
Ngày nay, xã hội vẫn nhiều băn khoăn làm thế nào để người trẻ biết và trân trọng quá khứ, trân trọng những hy sinh, mất mát của biết bao thế hệ cha anh để thấy giá trị của cuộc sống hòa bình hiện tại.
Có lẽ câu hỏi đó đã được phần nào có lời giải tại triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai” khi đội ngũ sưu tầm, nhân viên thiết kế, thi công đều là những người sinh ra ở thế hệ 9x và 10x.
Hơn hai tháng hè, họ không quản nắng mưa, tìm đến từng người thân của gia đình 50 liệt sĩ làng Lai Xá, nghe kể chuyện, góp nhặt những kỷ vật còn sót lại, vừa gợi ký ức vừa kể cho công chúng câu chuyện hậu chiến tranh. Đôi khi câu trả lời không đến từ những ý tưởng vĩ mô mà lại đến từ những việc làm rất nhỏ tại một ngôi làng nhỏ ven đô Hà Nội…