Những chuyến ngoại giao thần tốc
Từ đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với chủ trương đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị… nhằm đối phó với dịch bệnh.
Cùng với các biện pháp chống dịch trong nước, chiến dịch ngoại giao vaccine cũng đã được triển khai quyết liệt, nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine mà chúng ta đã đề ra, nhất là trong bối cảnh nguồn vaccine trên thế giới rất khan hiếm và việc phân phối vaccine không đồng đều giữa các quốc gia.
Các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều cuộc điện đàm, gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức các quốc tế, các doanh nghiệp lớn về dược phẩm, y tế… nhằm mang vaccine về nhanh chóng, kịp thời, phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho người dân.
Nổi bật có thể kể đến việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có các cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao các nước Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Cuba… nhằm thúc đẩy hợp tác cung cấp vaccine, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine tại Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có hàng chục cuộc điện đàm; gửi thư, điện cho lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế; gặp Đại sứ các nước tại Việt Nam, thăm chính thức Nhật Bản. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện các chuyến thăm Mỹ, Nga, Cuba… Để từ đó, hàng triệu liều vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 được chuyển về Việt Nam cùng các đoàn công tác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 24/9/2021. |
Mới đây nhất, giữa tháng 12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong số những kết quả nổi bật của chuyến thăm có việc Công ty Brahat Biotech của Ấn Độ tặng 200.000 liều vaccine cho trẻ em Việt Nam còn Công ty Optimus Pharma cũng đã chuyển giao toàn bộ công nghệ cùng một tấn hoạt chất cho Công ty Mekongphar để điều chế thuốc Movinavir điều trị COVID-19...
Hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tích cực, chủ động tham gia vào công tác vận động, tiếp cận vaccine, thuốc điều trị…
Phát biểu tại buổi lễ trao Quyết định phong hàm cho 26 Đại sứ diễn ra chiều 14/12/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhìn lại 2 năm đại dịch COVID-19 đầy khó khăn, ngoại giao vaccine là điểm sáng, thể hiện sự năng động, sáng tạo của ngành ngoại giao, của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Pfizer của Mỹ. |
Bước chuyển rất lớn trong ứng phó, kiểm soát dịch
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi nói trên, chúng ta đã thu được kết quả được ví như “kỳ tích”, tiếp nhận hàng chục triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Các đối tác cũng đã cam kết tiếp tục hỗ trợ, giao hàng đúng hoặc trước thời hạn, hợp tác sản xuất vaccine, thuốc với Việt Nam trong thời gian tới.
Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 ngày 15/12/2021 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, từ một nước tiếp cận vaccine tương đối chậm, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và tự tin thay đổi trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin tại Lễ phát động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh diễn ra ngày 27/12/2021, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến ngày 24/12/2021, cả nước đã tiêm được hơn 144 triệu liều vaccine trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021 là 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại, trong năm qua, đối với thế giới và khu vực, việc kiểm soát dịch COVID-19 là then chốt, nếu không làm được việc này khó làm được việc khác.
“Với Việt Nam, năm 2021 là bước chuyển rất lớn trong việc ứng phó và kiểm soát dịch. Trong đó, chiến lược ngoại giao vaccine đã hỗ trợ đắc lực cho việc quyết liệt kiểm soát dịch, bứt tốc trong tiêm chủng”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu rõ.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, việc thực hiện thành công chiến lược ngoại giao vaccine là minh chứng rõ ràng cho thấy vị thế của Việt Nam.
“Trong trao đổi, nhiều đại diện tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới đánh giá, hiện Việt Nam đã là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới, của các tập đoàn lớn. Giúp Việt Nam kiềm chế được dịch bệnh, nối lại chuỗi cung ứng cũng là giúp chính các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam tiếp tục duy trì sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng của mình. Điều này rất quan trọng và việc kiểm soát được dịch sẽ tạo cho Việt Nam rất nhiều thuận lợi trong năm 2022”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen trong một phát biểu gần đây tin tưởng rằng, với chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 thần tốc trong những tháng gần đây, cùng với sự ủng hộ của người dân đối với biện pháp đeo khẩu trang và các biện pháp ứng phó nhanh và linh hoạt của Chính phủ, Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức của đại dịch và sớm phục hồi.
Để xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh từ các đối tác song phương và đa phương, ngày 13-8-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng.
Kể từ đó, chiến dịch ngoại giao vaccine đã được chúng ta đẩy mạnh, bao gồm cả cấp độ song phương và đa phương, với sự tham gia của các cấp, các ngành, mọi người dân.