Kỳ nghỉ hè không còn là miền nhớ...

Những niềm vui thơ bé chỉ còn trong ký ức. (Ảnh Internet)
Những niềm vui thơ bé chỉ còn trong ký ức. (Ảnh Internet)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếu như các thế hệ 7X, 8X trước đây, thời chưa có 4.0, 5.0, AI…, mùa hè luôn đong đầy kỷ niệm với chúng bạn cùng phố, cùng khu, hay về quê suốt ba tháng hè. Thời nay thì khác, phụ huynh sẽ lên kế hoạch cho con từ sớm theo vài khóa học trải nghiệm, thậm chí đi học thêm suốt hè cho… yên tâm.

Khi con cái là “huy chương” của cha mẹ

Hàng năm, cứ vào dịp kết thúc năm học, chuẩn bị nghỉ hè, khắp “cõi mạng” từ Facebook, Zalo đến cả TikTok... tràn ngập cảnh tượng bố mẹ sung sướng khoe bảng điểm, thành tích của con. Lướt đâu cũng thấy những điểm số gây sốc bất kể trẻ học cấp 1, 2, hay 3. Hàng loạt bảng điểm chỉ có điểm 10, vài bảng điểm hiếm hoi có số 9. Học sinh xếp loại giỏi, xuất sắc… Những bảng điểm được khoe công khai, những lời chia sẻ hạnh phúc không khó để thấy niềm sung sướng của bố mẹ trước điểm số của con. Với rất nhiều phụ huynh, hành trình học tập một năm của con chỉ cần bấy nhiêu... Điểm số của đứa trẻ như vật trang sức long lanh cho gia đình.

Trong lá thư tuyệt mệnh, em học trò nói rằng nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng em chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập dần mất đi. Em bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ học. “Không biết tự bao giờ, thời gian chúng con đi học còn nhiều hơn khoảng thời gian chúng con được ngủ”...

Phía sau những bảng điểm lấp lánh ấy, nhiều thầy cô trong cuộc bày tỏ, học sinh giờ đây muốn điểm cao chỉ có thể học vẹt, thi xong là quên. Điểm cao của các em mà người lớn đang khoe không nói lên năng lực thực sự của đứa trẻ. Điểm số đó càng không có ý nghĩa gì với sự phong phú của cuộc sống mà các con sẽ sống. Bởi điểm cao không khó khi các con đi học thêm, làm một dạng bài tương tự nhiều lần… Chỉ vậy thôi, lịch học của con đã kín mít từ sáng tới khuya…

Và rồi, thực tế khi các trường vẫn chưa tổ chức thi học kỳ II xong, thì nhiều phụ huynh đã tất bật tìm kiếm trung tâm dạy thêm, luyện thi để gửi con em vào học hè. Bên cạnh lý do áp lực của chương trình học nặng nề, phải chủ động học trước khi vào năm học mới. Nhiều phụ huynh còn cho rằng, họ không có thời gian ở nhà chăm sóc trẻ. Nên phải cho con em đi học thêm để vừa bổ sung kiến thức, vừa không phải trông nom trẻ.

Bởi thế, dù là nghỉ hè, không ít phụ huynh đăng ký học thêm kín các ngày trong tuần để bảo đảm kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi. Thực tế, không ít phụ huynh hay than phiền, đó là nếu không cho trẻ đi học thêm trong hè, con mình sẽ suốt ngày ôm điện thoại hoặc máy tính, chơi game.

Tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển như Ðức, Hà Lan, Australia,... hầu như phụ huynh không thấy mùa hè là áp lực trong việc trông con. Ngược lại, họ xem đó là dịp để bố mẹ, con cái quây quần. Nhiều gia đình thường tổ chức các chuyến dã ngoại kết hợp với cắm trại để vừa được thư giãn, vừa có cơ hội dạy trẻ một số kỹ năng cơ bản. Những chuyến dã ngoại như thế, phụ huynh sẽ phân công trẻ làm những phần việc phù hợp khả năng. Ðó là cách để trẻ có trách nhiệm với công việc và ngày càng trưởng thành hơn. Trong khi đó, không ít phụ huynh Việt Nam tổ chức cho trẻ đi du lịch nhưng lại quá chú trọng đến việc ăn ở sao cho tiện nghi, thịnh soạn, ít quan tâm cho trẻ trải nghiệm nên các em khó có cơ hội hoàn thiện kỹ năng sống. Ngoài ra, trong năm học, trẻ cứ học 1,5 tháng lại được nghỉ hai tuần như Pháp…

Chị Nugent Kim, một Việt kiều ở Mỹ chia sẻ: “Ở Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy người ta bàn tán về kỳ thi trung học hay đại học nào, vì đó là điều bình thường cho mọi đứa trẻ. Tại đây, bắt đầu 6 tuổi, các em đã tập tự đến trường, làm bài tập ở nhà, phụ công việc nhà, rồi đến thi cử, vào đại học, ra trường tìm việc làm. Tất cả chúng đều tự tìm hiểu và thực hành, cha mẹ hiếm khi bị làm phiền (và bọn trẻ cũng không thích bị làm phiền) ngoại trừ cho trẻ ý kiến nên chọn đại học nào nếu chúng được vài trường chọn cùng lúc.

Và rồi tất cả những đứa trẻ đó đều lần lượt tốt nghiệp (không một ai học thêm về bất kỳ môn học nào) và ra trường cũng đều tìm được công việc tốt... Tôi nghĩ, có lẽ vì cha mẹ ở Mỹ không đặt áp lực quá nhiều cho con cái chăng? Chúng được dạy cho tính tự lập từ trường mầm non, kỹ năng sống, tinh thần tình nguyện, rèn luyện thể chất... Con cái là niềm vui nhưng cha mẹ Mỹ không đặt áp lực lên chúng phải đạt điểm này hay bằng cấp nọ, vì đó là cuộc đời của chúng... Chỉ khi nào cha mẹ Việt ngưng coi con cái như một chiếc cúp cần để khoe hay trưng bày thì may ra áp lực này mới giảm và các con mới được tận hưởng cuộc sống của tuổi học trò.

Chúng ta hay dựa vào bằng cấp để đánh giá một người nào đó. Tôi gặp và nói chuyện với rất nhiều du học sinh Việt đi làm part-time ở các nhà hàng Việt tại Mỹ. Chúng bảo tôi ở trong nước, cha mẹ không bao giờ để chúng phải động tay vào bất cứ chuyện gì, tất cả đều có giúp việc lo. Đến khi qua đây, chúng phải tự lo cho bản thân nhưng điều đó lại mang đến cho các em niềm vui dù phải bưng từng tô phở hay dọn dẹp, lau chùi”...

Trẻ không còn niềm vui chạy theo những cánh diều hoàng hôn. (Ảnh Internet)

Trẻ không còn niềm vui chạy theo những cánh diều hoàng hôn. (Ảnh Internet)

Mùa hè là cổ tích xa xôi

Chị Nugent Kim bày tỏ tiếp: “Tôi đã từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Tôi biết cảm giác thế nào là sự thất vọng khi không đạt điểm tốt, nên khi có gia đình và con cái, tôi tự hứa sẽ không bao giờ làm điều tương tự với con. Thay vào đó, tôi muốn con tận hưởng tuổi thơ chứ không chỉ học, học và học. Chỉ khi nào tất cả các bậc cha mẹ nhận thức được điều đó, thì các cháu mới bớt đi áp lực học đường”...

Và thế là mùa hè đã đến. Những sớm mai không còn tắc đường, những hoàng hôn cha mẹ không còn thấp thỏm giờ đón con. Đứa trẻ được nghỉ học, ngay lập tức chúng được đưa về quê với ông bà. Ai đó nói, chúng thật sung sướng được chạy trên những con đường quê thênh thang, được nằm trên những thảm lúa vàng. Được thả hồn theo những cánh diều, được tắm sông, được đằm mình trong những trận mưa rào… Rồi nhận về những tiếng dế, tiếng ve, tiếng xạc xào cây lá trong vườn… Nhưng không, mùa hè ở quê nay đã khác rồi. Ruộng vườn bé lại, đường lát bê tông, cũng chẳng ai dám thả đứa trẻ dầm mưa, tắm sông, chơi ô ăn quan giữa trưa hè bởi bao nhiêu hiểm họa… Chẳng ai đủ kiên nhẫn nói với nó về cây lúa, củ khoai, những dãi dầu. Chẳng có ai kiên nhẫn đưa nó ra cánh đồng, mà giảng cho nó về lúa, về gạo, về một nắng hai sương. Mùa hè của nó ở quê cũng là xem tivi, ipad...

PGS TS Toán Chu Cẩm Thơ chia sẻ đầy lưu luyến, mùa hè của những đứa trẻ ở thành phố chỉ là hai ngày nghỉ. Mẹ nó vẫn vùi đầu vào công việc, vào những bữa ăn chuẩn bị sẵn hàng ngày. Bố nó bảo rằng, nghỉ hè thì chúng được chơi một chút. Nên nó sẽ ngủ dậy lúc mặt trời đã lên bằng con sào. Mặt trời đã không kiên nhẫn đợi nó. Nó lại ở trong nhà, qua ô cửa vắng toe, ngoài kia là nắng, ngày nào cũng như ngày nào. Nó thức dậy lúc 1h đêm. Nó hẹn mấy bạn chat, mấy bạn chơi game. Nó cứ lớn, mùa hè chẳng lớn. Chẳng ai đủ kiên nhẫn biến mùa hè của nó thành cổ tích như người ta vẫn viết trong mấy truyện đã thành cổ tích. Có mỗi nóng, bốc khói ở ngoài đường, để nó biết mùa hè cũng có khác, những ngày đã qua…

Theo chuyên gia tâm lí Phạm Thúy Hằng, nghỉ hè là thời gian quan trọng để trẻ nghỉ ngơi, thư giãn và có điều kiện phát triển các kĩ năng sống khác. Nếu như cha mẹ cứ cố gắng nhồi nhét kiến thức, “nhốt” trẻ giữa bốn bức tường sẽ dễ gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lí của trẻ. Đã gọi là kì nghỉ hè thì phải tạo cho trẻ có không gian vui chơi đúng nghĩa. Kì nghỉ ở đây không có nghĩa là nghỉ ngơi, ngồi yên một chỗ. Đây là thời gian cho các em trau dồi những trải nghiệm thực tế như: lên núi, xuống biển, hòa mình vào thiên nhiên, tham gia các hoạt động thể dục thể thao và các hoạt động xã hội, tìm hiểu văn hóa bổ ích khác.

Cũng theo chuyên gia, mỗi bậc cha mẹ nên dành thời gian đồng hành để con mình có một tuổi thơ đẹp, học hỏi thêm nhiều điều mới lạ ngoài giờ lên lớp. Đó là những trải nghiệm, kỹ năng sinh tồn, là cảm nhận những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Hơn tất cả, phụ huynh luôn cho trẻ sự an toàn về một tổ ấm hạnh phúc, những yêu thương dù cho có chuyện gì xảy ra. Cùng trẻ làm nên những kỷ niệm, những ký ức đẹp sẽ theo mỗi người tới suốt cuộc đời…

Tại Nghị định số 84/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, ban hành ngày 17/7/2020 thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là tám tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm (Ðiều 3). Thời gian nghỉ này rất quan trọng vì giúp cho thầy và trò tái tạo năng lượng, chuẩn bị tâm thế thật tốt trước khi bắt đầu năm học mới.

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...