75 năm qua, việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước đã góp phần từng bước hiện đại hoá, nâng cao sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dấu ấn 75 năm
Thành lập vào ngày 15/9/1945, khi đó, ngành Quân giới với hai nhiệm vụ chính là: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí chuẩn bị cho đất nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, mặc dù ngành Quân giới với điểm xuất phát hầu như từ “con số không” (không có các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ bản như: cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, điện năng…; không có các loại vật tư nguyên liệu cốt yếu; không có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề), song với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần dám nghĩ, dám làm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân, nhân viên Quân giới Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, chế tạo, sản xuất hàng triệu tấn vũ khí, đạn, trang bị các loại, trong đó có nhiều loại vũ khí kỹ thuật cao, cung cấp cho lực lượng vũ trang (LLVT) và toàn dân đánh giặc, lập nhiều chiến công vang dội, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của tổng cục có hơn 600 người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và hàng nghìn kỹ sư được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước, có trình độ, kỹ năng và phương pháp công tác tốt, giàu kinh nghiệm, khả năng nghiên cứu, sáng tạo độc lập, tiếp thu và làm chủ công nghệ chuyển giao, là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP).
Những năm qua, công nghiệp quốc phòng đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Kết hợp, tận dụng và phát huy được các nguồn lực về công nghệ, thiết bị, đầu tư, tài chính để phát triển kinh tế đạt kết quả tốt; sản xuất kinh tế có sự tăng trưởng khá cao ở một số lĩnh vực; cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị có bước chuyển biến tích cực về quản trị, cơ bản tạo được sức cạnh tranh với thị trường trong nước, bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng.
Một số sản phẩm kinh tế có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế như: Thuốc nổ công nghiệp, đóng tàu, sản phẩm cơ khí; sản phẩm điện, điện tử, viễn thông v.v... Đặc biệt, CNQP đã sản xuất và xuất khẩu được một số chi tiết, bán thành phẩm vũ khí cho đối tác nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2019, Tổng cục có 1.932 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giá trị làm lợi ước đạt 25 tỷ đồng và có 16 công trình đạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 của toàn tổng cục đem lại doanh thu hơn 15.610 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 530 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.039,2 tỷ đồng (bằng 161% so với năm 2018)…
Trung tướng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) cho biết, đến nay, Tổng cục đã làm chủ công nghệ từ khâu nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân và một số vũ khí trang bị kỹ thuật cho các quân, binh chủng.
Song song với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Tổng cục từng bước kết hợp quốc phòng với kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh tế. Nhiều sản phẩm kinh tế do các nhà máy sản xuất đã có chỗ đứng vững trên thị trường như: Vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, đóng tàu, cao su kỹ thuật, hàng cơ khí... góp phần nâng cao rõ rệt năng lực, trình độ và hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng quốc gia.
Với những thành tích xuất sắc, ngành CNQP đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng; ba Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất; Danh hiệu Anh hùng LLVTND; có 32 lượt tập thể và 50 lượt cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Những thành tựu của ngành CNQP
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, 75 năm qua, ngành Quân giới Việt Nam, nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn trong sửa chữa, sản xuất các sản phẩm quốc phòng; chủ động tập trung nguồn lực, đột phá triển khai các chương trình, dự án phát triển CNQP, nhất là các dự án trọng điểm.
Tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 mang tên Yết Kiêu, số hiệu 927 trang bị cho Quân chủng Hải quân (tháng 12/2019) là một thành tựu đáng kể của nền CNQP Việt Nam. |
Nổi bật là, chủ trương, quan điểm phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm vừa phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, vừa góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng cục CNQP có các dây chuyền sản xuất, sửa chữa vũ khí, dây chuyền sản xuất, sửa chữa khí tài, dây chuyền sản xuất đạn, ngòi, đồng bộ đạn, dây chuyền sản xuất các loại thuốc phòng, thuốc nổ, thuốc hỏa thuật và dây chuyền sửa chữa các loại đạn cao xạ, đạn pháo.
Đối với nhóm vũ khí lục quân, Tổng cục đã sản xuất các loại vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho sư đoàn bộ binh đủ quân, từ súng ngắn đến hỏa lực bộ binh, đạn, mìn, khí tài quang học, ngòi nổ, thuốc phòng, thuốc nổ, thuốc hỏa thuật và phụ kiện nội; các sản phẩm lưỡng dụng, như: Cáp thông tin, lượng nổ huấn luyện, các loại lốp xe quân sự... Cơ bản các sản phẩm quốc phòng đều do Tổng cục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất; số ít sản phẩm được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Đối với nhóm VKTBKT quân binh chủng, Tổng cục CNQP đã sản xuất các sản phẩm như: Các loại dây, cáp thông tin cho Binh chủng Thông tin liên lạc; thùng dầu mềm, bom tập cho Quân chủng Phòng không - Không quân; khí tài phòng da cho Binh chủng Hóa học; khí tài quan sát, ngắm bắn cho Binh chủng Pháo binh; vũ khí phá rào mở cửa, đệm hơi cứu nạn, các trang bị bảo vệ cá nhân cho Binh chủng Đặc công; giáp phản ứng nổ, mắt xích xe tăng cho Binh chủng Tăng thiết giáp; phối hợp sửa chữa ngư lôi, thủy lôi cho Quân chủng Hải quân.
Trong nhiệm vụ đóng tàu quân sự, những năm qua, các nhà máy đóng tàu đã đóng mới thành công các loại tàu quân sự như tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo tuần tiễu, tàu cứu hộ tàu ngầm. Với năng lực đã được đầu tư, hiện nay các đơn vị đóng tàu quân sự có khả năng đóng mới các tàu tên lửa thế hệ mới, tàu chống ngầm, tàu mặt nước của Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư…; sửa chữa đến cấp vừa cho tàu ngầm Kilo 636; cải hoán, hiện đại hóa, sửa chữa lớn và đảm bảo kỹ thuật cho tàu hộ vệ tên lửa, tàu chống ngầm và các loại tàu mặt nước cho lực lượng chiến đấu và thực thi pháp luật trên biển.
Bên cạnh ưu tiên cho hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, Tổng cục CNQP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh tế, duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế cả nước, kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển và ven biển; đồng thời tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay, nhiều sản phẩm kinh tế có vị trí đứng vững trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu: Vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, cơ khí, may mặc, điện tử, quang học... các tàu do Tổng cục CNQP sản xuất không chỉ phục vụ kinh tế trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước, như: Tàu cung ứng thuyền viên cho Tập đoàn Damen (Hà Lan), tàu cứu hộ tàu ngầm và tàu chở dầu cho Hải quân Australia, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cho Pháp, tàu công trình, tàu huấn luyện máy bay, du thuyền, tàu kéo cảng và nhiều sản phẩm tàu xuất khẩu đa dạng khác.