Kinh tế Qatar đã bắt đầu chịu nỗi đau vì sự cô lập về chính trị và kinh tế, với những tổn thất gia tăng từng ngày.
Rơi vào khủng hoảng
Việc Saudi Arabia và các nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao và cô lập kinh tế đối với Qatar đang gây thiệt hại một cách toàn diện đến nước này. Trong khi ngày càng có thêm quốc gia tham gia “cuộc chơi” nhằm cô lập Qatar, thiệt hại về kinh tế có thể đẩy nền kinh tế nước này rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử.
Tập đoàn City Group cảnh báo rằng nếu xung đột ngoại giao vùng Vịnh không được giải quyết, kinh tế và tình hình tài chính của Qatar có thể phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng. Giá cả leo thang và những hiểm nguy của lạm phát sẽ là những thách thức lớn. Do Qatar là nhà nhập khẩu thực phẩm chủ chốt, giá cả của các loại hàng hóa, thậm chí giá các thực phẩm cơ bản, dự kiến sẽ tăng mạnh.
Ngành xây dựng có nguy cơ bị đình trệ do hoạt động nhập khẩu vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và điều này chắc chắn tác động bất lợi tới công tác chuẩn bị đăng cai Giải Vô địch Bóng đá Thế giới World Cup 2022. Do đó, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sụt giảm đáng kể. Nhà kinh tế vùng Vịnh Ahmad Al-Shahri nhận định những tổn thất kinh tế từ việc các nước Arab và vùng Vịnh chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar sẽ rất lớn. Chi phí đi vay để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách ở Qatar sẽ gia tăng, trong khi đầu tư và sự vận động của các nguồn quỹ sẽ sụt giảm mạnh.
Theo chuyên gia Al-Shahri, chi phí vận hành của hãng hàng không Qatar Airways sẽ phình lên gấp nhiều lần, cùng với sự suy giảm nhanh về lượng khách. Theo ước tính, hãng hàng không này có thể sẽ mất 30% doanh thu trực tiếp. Hầu hết các chuyến bay của Qatar Airways tới
Đông Nam Á đều bay qua không phận của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trong khi đó, các tuyến bay tới châu Phi không thể thực hiện qua không phận Saudi Arabia. Việc chuyển hướng các chuyến bay sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hãng. Cũng theo đánh giá của chuyên gia Al-Shahri, lĩnh vực thầu khoán và xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Qatar phụ thuộc vào tuyến đường bộ để vận chuyển vật liệu xây dựng từ Saudi Arabia. Qatar dự kiến chi hơn 200 tỷ USD để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup 2022. Nước này rất có thể mất quyền đăng cai giải túc cầu lớn nhất hành tinh vì nhiều công ty thầu khoán nước ngoài có thể rút khỏi các dự án trong bối cảnh chính trị và kinh tế hiện nay.
Tổn thất lớn vì phụ thuộc
Nhà phân tích Fahad bin Sibyan Al-Sulami, thành viên Ban điều hành của Phòng Thương mại Jeddah (Saudi Arabia), cho rằng tổn thất về kinh tế của Qatar sẽ còn tăng mạnh vì nước này phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu từ Saudi Arabia và UAE. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch nhập khẩu gia cầm từ Saudi Arabia và UAE vào thị trường Qatar đã đạt hơn 416 triệu USD năm 2015. Xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Saudi Arabia và UAE sang Qatar đạt 310 triệu USD mỗi năm, trong khi giá trị xuất khẩu rau quả là 178 triệu USD.
Giáo sư kinh Salim Ba’ajaja, thuộc Đại học Jeddah (Saudi Arabia), cho rằng thiệt hại đối với Qatar sẽ không nhỏ vì nước này phụ thuộc vào tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ các nước láng giềng, nhất là Saudi Arabia và UAE. Do các nước đã chấm dứt quan hệ ngoại giao nên mọi hoạt động giao thương giữa Qatar và các quốc gia láng giềng vùng Vịnh cũng bị ngừng lại. Theo chuyên gia Ba’ajaja, dấu hiệu đầu tiên về thiệt hại đã thể hiện trên thị trường tài chính Qatar ngay sau khi một loạt quốc gia Arab và vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha. Học giả này cũng cho rằng sẽ có thêm các công ty và quốc gia tham gia vào nỗ lực tẩy chay Qatar.
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổi lên tại vùng Vịnh, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) đã hạ mức đánh giá tín nhiệm dài hạn của Qatar từ AA xuống AA-, đồng thời cảnh báo rằng kinh tế nước này đang đối mặt với các triển vọng tiêu cực. Theo báo điện tử “Gulfnews” của UAE, các cảng lớn nhất ở Trung Đông đã quyết định cấm tất cả tàu bè đến và đi từ Qatar, đẩy quốc gia này vào tình thế cô lập về kinh tế. Động thái này gây khó khăn cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa nói chung và dầu khí nói riêng ra vào Qatar. Việc Saudi Arabia đóng cửa biên giới trên bộ với Qatar cũng khiến nước này rơi vào cảnh thiếu thốn các loại hàng hóa, nhất là thực phẩm. Qatar nhập khẩu tới 90% thực phẩm, chủ yếu thông qua đường biên giới với Saudi Arabia.
Cũng theo Gulfnews, một số ngân hàng ở Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã ngừng các hoạt động chuyển tiền tới Qatar do lo ngại lệnh phong tỏa đối với quốc gia giàu khí đốt này có thể được mở rộng. Một số nhà cho vay tại các nước vùng Vịnh này đã bắt đầu rút tiền từ các ngân hàng Qatar và ngừng giao dịch bằng đồng rial và trái phiếu Qatar. Một số nguồn tin cho biết rất có thể các lệnh trừng phạt tài chính sẽ được áp đặt chống lại Qatar...