Kinh Môn vốn là một huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương với diện tích tự nhiên 163,49km2 cùng 25 đơn vị hành chính (3 thị trấn và 22 xã). Huyện có vị trí nằm kề bên 2 tuyến đường Quốc lộ 5A và Quốc lộ 18 là 2 tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Cùng với việc được bao bọc bởi 4 con sông lớn là: sông Kinh Môn, sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Hàn Mấu, đã tạo cho Kinh Môn có được vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cũng như lưu thông, buôn bán, giao lưu với các vùng lân cận xung quanh.
Đền Cao An Phụ ở huyện Kinh Môn. |
Trong bối cảnh cùng cả nước thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân huyện Kinh Môn đã không ngừng tích cực, năng động, sáng tạo, tranh thủ sự quan tâm của Trung ương và địa phương để phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Vì thế, thời gian qua, Kinh Môn đã có những bước phát triển mang tính đột phá, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, toàn điện và có những tiền đề vững chắc để sẵn sàng nâng cấp từ một huyện nông nghiệp bán sơn địa thành Thị xã phát triển nổi bật. Theo đó, tại kết quả đạt được về lĩnh vực kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2019 của huyện đã cho thấy:
Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất (giá so với năm 2010) ước đạt 36.181,9 tỷ đồng, đạt 75,4% kế hoạch năm, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nông – lâm – thủy sản là 1.548,1 tỷ đồng, đạt 71,8% kế hoạch năm, giảm 6,9%; Công nghiệp – Xây dựng là 31.764 tỷ đồng, đạt 75,85 kế hoạch năm, tăng 11%; Dịch vụ được 2.869,8 tỷ đồng, đạt 73,3% kế hoạch năm, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Một di tích lịch sử điển hình ở huyện Kinh Môn. |
Đặc biệt, trong nông nghiệp, ngoài cây lúa, Kinh Môn còn được biết đến là vùng chuyên canh hành tỏi lớn nhất cả nước với giá trị kinh tế đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Huyện đã có 4 sản phẩm gồm sắn dây, hành, tỏi và gao nếp cái hoa vàng được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam vinh danh là sản phẩm vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017 – 2018.
Ngoài 4 khu công nghiệp là Long Xuyên, Hiệp Sơn, Duy Tân, Phú Thứ, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm doanh nghiệp lớn như các Công ty: Công ty TNHH Một thành viên Vicem Hoàng Thạch, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương, Xi măng Phúc Sơn… giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh, đóng góp rất lớn vào ngân sách tỉnh.
Chưa hết, phát huy thế mạnh là huyện có nhiều khu di tích mang ý nghĩa lịch sử lớn, những năm gần đây, Kinh Môn luôn tích cực, mạnh dạn tiếp tục đầu tư xây dựng, quảng bá, nâng cao, giới thiệu các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thị xã.
Điển hình là di tích Quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã thu hút được đông đảo du khách thập phương đến thăm quan, chiêm bái và tìm hiểu di tích. Trong 9 tháng đầu năm nay, Kinh Môn đã liên tục tiếp đón hàng chục vạn lượt du khách đến với Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt và các di tích trên địa bàn.
Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng luôn được Kinh Môn tập trung quan tâm, chú trọng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội ngày một hiện đại, mạng lưới y tế, giáo dục được tạo điều kiện đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên.
Cây hành là một trong những cây nông nghiệp chiếm ưu thế của huyện Kinh Môn. |
Các vấn đề về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, diện mạo đô thị và khu vực mở rộng đã có thêm nhiều khởi sắc và ngày càng khang trang, phát triển đồng bộ.
Cùng với với triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Kinh Môn luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm và giám sát hết sức chặt chẽ.
Hàng năm, có từ 79,66 – 81,3% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Bởi vậy, trong nhiều năm liền, Kinh Môn đã được UBND tỉnh Hải Dương tặng bằng khen, Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc; Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đều vững mạnh, được cấp trên khen thưởng.
Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đổi mới cùng những chính sách pháp luật thu hút, hấp dẫn, Kinh Môn đang ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư vào đầu tư, xây dựng và phát triển đa dạng đủ các ngành nghề về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đây cũng chính là nguồn động lực phát triển to lớn để chính quyền và nhân dân huyện Kinh Môn thêm tự tin, vững bước thi đua phấn đấu, xây dựng đưa huyện trở thành Thị xã vào năm 2020.