Theo tờ trình của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài không giới hạn ở loại hình DN nhằm đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN, góp phần thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động lữ hành.
Khách hàng mới là người quyết định cuối cùng
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch |
Theo ông Hà Văn Siêu (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch): Luật Du lịch sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển để phù hợp với xu thế hội nhập, nhưng phải luôn trong khuôn khổ tổng thể chung với luật khác, như: Luật Đầu tư, Luật Cư trú, Luật Xuất nhập cảnh,…
Không hẳn khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài thì các DN Việt sẽ bị ảnh hưởng. Mỗi DN đều có thế mạnh riêng và Nhà nước luôn tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, bình đẳng để tạo điều kiện cho các DN phát triển. Đó cũng là nguyên tắc khi làm luật. Luật Du lịch còn phụ thuộc vào nhiều ngành nghề khác nên không thể trả lời đồng ý hay không đồng ý ngay được.
Chúng ta sẽ thực hiện từng bước như đưa khách du lịch nước ngoài vào trước. Chủ trương, quan điểm là ưu tiên nhưng cần từng bước, tránh bị sốc. Nước ta đang theo nền kinh tế thị trường thì cần phải tuân theo nền kinh tế thị trường. Điều gì trái với nền kinh tế thị trường thì cần phải xem xét cho phù hợp.
Khách hàng mới là người quyết định, là đối tượng quan trọng nhất để đánh giá chất lượng dịch vụ tốt hay xấu. Nên muốn cạnh tranh được thì phải tự nâng cao năng lực, giá trị của mình. Năng lực ở đây chính là nguồn lực mềm, kinh nghiệm, trí tuệ, sáng tạo, tầm nhìn,… để huy động được chính nguồn lực bên trong mỗi DN, mạnh dạn tham gia vào chuỗi giá trị chung của toàn cầu, tự mình lớn lên thì mới chơi được ở những sân chơi lớn”, ông Siêu cho hay.
Để làm được điều này thì các DN lữ hành của Việt Nam phải phát triển nguồn nhân lực, chủ động hội nhập, mở rộng mạng lưới liên kết các đối tác, tranh thủ được những nguồn lực từ bên ngoài, kể cả về trí tuệ của các đối tác và đối thủ cạnh trạnh. Vì quy luật thị trường là những người giỏi, người khỏe sẽ thành công trong mọi cuộc chơi, chiến thắng trong mọi cuộc đua. Các công ty lữ hành cần phải đổi mới, phải thay đổi, làm cho bản thân mạnh lên để từng bước tham gia những sân chơi lành mạnh, minh bạch cho tất cả các đối tượng. Còn các cơ quan quản lý nhà nước luôn tạo môi trường thuận lợi, công bằng và minh bạch, lành mạnh.
Phải tạo môi trường cạnh tranh, chứ không phải bảo hộ
Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) khi bàn về vấn đề này.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch |
Theo Luật Đầu tư, một công ty lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài bản chất vẫn là công ty Việt Nam và điều này chỉ càng giúp cho chất lượng dịch vụ du lịch của chúng ta tốt hơn. Trước đây, Tổng cục Du lịch đã thí điểm cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện kinh doanh, kết quả là các công ty này đều đang lọt vào top 10 các công ty lữ hành tốt nhất tại Việt Nam hiện nay. Họ làm dịch vụ rất tốt, kể cả việc đưa khách Việt ra nước ngoài. Do đó, chúng ta phải tạo môi trường cạnh tranh, chứ không phải bảo hộ cho các công ty lữ hành của Việt Nam.
Vấn đề quan trọng nhất là quyền lợi của khách du lịch, nên chúng ta cần phải mở cửa. Đó mới là đối xử bình đẳng giữa các DN. Vì đây là DN được thành lập theo pháp nhân của Việt Nam, có vốn đầu tư nước ngoài nhưng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Nếu làm được như vậy đồng nghĩa với việc bắt buộc các công ty lữ hành phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, để đáp ứng được nhu cầu của khách. Như vậy, du khách càng được hưởng lợi, dịch vụ càng tốt thì ngành du lịch càng phát triển. Trong khi, điều này chúng ta làm quá chậm.
Điều cuối cùng chính là chúng ta phải lo cho quyền lợi của khách du lịch, chất lượng dịch vụ tốt chính là nâng cao năng lực của DN. Đó mới là mục đích mà ngành du lịch hướng tới.
Ngoài ra, sau khi thí điểm cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh lữ hành, chúng ta nhận thấy các đơn vị này kinh doanh rất tốt. Việc đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước cũng cao hơn rất nhiều so với các công ty lữ hành nội địa. Do chất lượng dịch vụ của họ tốt nên giá thành cao, lợi nhuận lớn. Không chỉ vậy, nó đã góp phần thúc đẩy và nâng cao vị thế ngành du lịch nước ta lên những bước cao hơn, để cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Thời kỳ này là thời kỳ mở cửa và hội nhập, chúng ta đang phải cạnh tranh nên không thể yếu mãi được. Ngành du lịch cần phải bung ra, nếu cứ bảo hộ mãi thì ngành du lịch khó nâng cao được chất lượng dịch vụ. Trong khi, các DN Việt Nam hứa thì nhiều nhưng khi phục vụ lại không được như vậy. Đó là điều yếu kém của lữ hành Việt Nam, không cạnh tranh nổi, giảm chất lượng dịch vụ, càng bảo hộ càng lâu phát triển”, ông Tuấn cho hay.
Ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội):
Không cho phép sẽ không phù hợp với chính sách về đầu tư kinh doanh:
Nếu không cho phép vấn đề đó sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, không phù hợp với chính sách về đầu tư kinh doanh được quy định trong Luật Đầu tư, không phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đại biểu Quốc hội TP HCM):
Quy định như dự thảo... quá mở cho DN nước ngoài
Quy định như Dự thảo Luật sẽ khiến ai cũng mở được DN kinh doanh lữ hành, làm phức tạp thêm những “vấn đề phức tạp” liên quan đến an ninh quốc gia và ngoại giao cũng là quá mở cho DN nước ngoài. Theo tôi, thời điểm hiện tại chưa cần thiết cho DN nước ngoài được đưa khách Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Lưu Đức Kế (Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist):
Chưa cần thiết, vì điều quan trọng hiện nay là xuất khẩu tại chỗ…
Điều quan trọng hiện nay là xuất khẩu tại chỗ, thu được ngoại tệ từ việc bán các sản phẩm trong nước. Chúng ta cần mở rộng liên doanh trong vấn đề đưa khách du lịch vào Việt Nam.Vì thực chất việc khai thác khách nước ngoài vào Việt Nam họ giỏi hơn ta, hiểu tâm lý khác và bám khách hơn. Như mình làm outbound (đưa khách ra) sẽ giỏi hơn họ. Theo tôi, điều này chúng ta nên khuyến khích để họ hỗ trợ marking, quảng bá, xúc tiến. Người nước ngoài nói về Việt Nam nhiều khi sẽ hấp dẫn hơn Việt tự nói về mình. Ngành du lịch Việt Nam quan trọng giá trị khách vào hơn giá trị khách đi nên việc cho các công ty nước ngoài vào đưa khách đi thì chưa cần thiết.
Cạnh tranh ở đây là cạnh tranh khách nước ngoài vào Việt Nam. Đó mới là điều chúng ta cần quan tâm và bản thân các công ty lữ hành cần phát triển đó cũng chính là hội nhập và mở cửa. Nước ta cần tạo điều kiện, thủ tục thông thoáng như miễn visa cho khách, lệ phí visa giảm – đây là điều mà khách nước ngoài họ quan tâm. Còn vấn đề đưa khách Việt Nam đi thì các công ty lữ hành của nước ta hoàn toàn có thể chủ động, thậm chí nhiều người Việt Nam tự đi du lịch vì nhiều nước đã miễn visa cho Việt Nam. Quan trọng, các nước có ngành du lịch phát triển họ cũng đang làm vậy và họ cần cái gì họ mới mở thì sao chúng ta lại phải làm khác với họ.
Ngoài ý kiến trên, nhiều DN cũng lo ngại vấn đề đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng và các vấn đề phát sinh liên quan đến luật pháp cho người Việt đi du lịch nước ngoài. Vì đây là một trong những vấn đề hàng đầu mà chúng ta cần quan tâm. Ví dụ, thời gian qua, ngành du lịch đã xảy ra vụ việc người Việt sau khi đi du lịch nước ngoài đã bỏ trốn để ở lại làm việc “chui” kiếm tiền.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp hạ giá tour rẻ để ép shopping là quá nhiều. Cụ thể, để thu hút khách đi thì họ tổ chức giá tour có khi bằng không, nhưng đi rồi chủ yếu là đi shopping, mà cái đó không kiểm soát được về giá cả, chất lượng của sản phẩm. Việc bảo vệ công dân Việt Nam đi nước ngoài quan trọng hơn việc đưa họ ra nước ngoài du lịch. Làm du lịch quan trọng là chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí cả lương tâm, chứ không phải chỉ một chiều vì lợi nhuận. Nhưng nếu là công ty nước ngoài việc thì vấn đề quản lý khách là vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt (Phó Giám đốc TransViet):
Không nên mở cửa vì còn liên quan đến yếu tố con người…
Theo luật, chúng ta vẫn đang mở cửa cho các công ty nước ngoài đưa khách tới Việt Nam vì họ có thế mạnh về marketing tốt hơn, biết đưa khách đến Việt Nam. Nhưng nếu để công ty nước ngoài phục vụ khách Việt Nam đi ra nước ngoài thì nên để cho các công ty của Việt Nam làm mới đảm bảo được an toàn nhất. Khi sự cố xảy ra dễ giải quyết và xử lý theo đúng pháp luật.
Chúng ta mở cửa, ai sẽ đảm bảo một công ty lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không bành trướng và chiếm thị phần của các công ty nội địa? Vì các công ty lớn trên thế giới sử dụng dịch vụ theo chuỗi cung ứng như: ăn uống, ngủ nghỉ, nhà xe,… đều từ một nhà quản lý. Như vậy, không những lữ hành thua mà kể cả các nhà hàng, khách sạn, các nhà xe,… của Việt Nam cũng thua. Ngành du lịch của Việt tưởng là phát triển nhưng tiền lại về túi của nước ngoài.