[links()]Dọc theo Quốc lộ 6 từ Phnom-Penh đi Siem Reap, nơi đâu có xóm nhà nổi ven sông, đó là nhà kiều bào. Bà con quần tụ cất nhà nổi quanh mom sông, sống đời “ăn nhờ, ở đậu” hàng chục năm trời nhưng hiếm có hộ nào mua được đất để cất nhà trên đất liền. Song, nếu so sánh với cộng đồng kiều bào ở Biển Hồ Tông-Lê-Sáp, kiều bào sống ven con sông cùng tên gọi này vẫn còn đỡ hơn vì chút ít, bà con gần bờ, gần đường lộ, gần trạm xá, bệnh viện, trường học.
Ngôi trường Việt Nam ở giữa sông nước. |
Quê hương ở đâu
Đông nhất tại Biển Hồ là đoạn thuộc TP. Siem Reap với hơn 1.200 hộ. Vào mùa nước cạn, cộng đồng kiều bào phải dời nhà ra ngoài lòng hồ, cách đất liền vài cây số. Muốn đến được nơi bà con sinh sống, phải lênh đênh trên đò khoảng 30 phút mới tới nơi. Trên chiếc phà nổi rộng chưa đầy 15 mét vuông, cụ Nguyễn Thị Minh, 76 tuổi - hộ kiều bào sinh sống tại Biển Hồ (thuộc ấp 7, xã Chrong Khnia, huyện Siem Reap, TP. Siêm Riệp) thú thiệt: “Nhà tuy nhỏ nhưng là chỗ ăn ngủ, nghỉ ngơi và sinh hoạt của 7 nhân khẩu. Qua hai lần sửa lại vì bị bão (năm 1987 và 1993) làm sập, mới được rộng như bây giờ”.
Cụ Minh có 3 người con, chồng mất 8 năm nay. Tuổi già, cụ không nhớ rõ quê mình từ đâu. Song, ngay cả anh Đào Văn Kía (38 tuổi)-con trai thứ 3 của cụ cũng mơ hồ, chỉ biết quê mình ở Việt Nam, vùng có nhiều núi. Tôi hỏi phải Tây Ninh, hoặc An Giang, anh lắc đầu nói “Không rõ”...
Có lẽ, cuộc sống bộn bề, miết lo cái bụng cho đủ no và không được thụ hưởng văn hóa cơ bản cần thiết nên lâu ngày, anh quên quê hương mình. Cụ Minh theo cha mẹ qua đây từ rất lâu, mấy đứa con của cụ sinh tại Biển Hồ, tới nay là đời thứ 5, thế hệ ấy không nhớ quê tổ mình ở đâu nhưng còn nói được tiếng mẹ đẻ là ấm lòng nhau rồi.
Hỏi thăm tình hình làm ăn, bắt cá, anh Kia (con trai thứ 3 cụ Minh) cho hay, hiện giờ, ngay mùa cá đẻ, giới chức sở tại giới hạn số lưỡi câu, chỉ cho làm đủ để mua gạo ăn, không thể nào có tích lũy được. Còn trong mùa cho khai thác đại trà, dân ở Biển Hồ như gia đình anh muốn làm quy mô phải đóng nhiều khoản thuế, phí… rất cao, làm không có lời.
Sống tù túng, thiếu thốn nhưng gia đình cụ Minh khá đầm ấm vì cụ có tới 8 đứa cháu nội. 3 đứa con của anh Kia và 5 đứa con của anh Kía (phân nửa trong số ấy được đi học). Bất hạnh nhất có lẽ là chị Đào Thị Thơ, con gái út cụ Minh, 36 tuổi đời nhưng còn “phòng không bóng chiếc”.
Chị cho hay, hồi còn xuân cũng có phần kén chọn nhưng về sau “thả cửa” cũng chẳng thấy ai dòm. Hỏi ra mới biết, hồi trước lúc nguồn cá còn nhiều, hai anh trai của chị cưới vợ, ngoài chi phí, sính lễ cần thiết, mỗi người phải tốn thêm 120 ngàn ria (đơn vị tiền tệ Campuchia, tương đương 3,6 triệu đồng) thuê nhà trên đất liền làm rạp vì dưới biển không chỗ làm đám, không chỗ cho khách khứa ngồi.
Về sau khi việc làm ăn trong xóm sa sút, chị Thơ không còn kén chọn thì trai tân cũng qua thời, còn lại cũng gãy gánh hoặc không có tiền để cưới vợ. Chị đành ở vậy chăm nom mẹ già tiếp hai anh trai.
Lo nhất với chị giờ không phải là chuyện gia thất mà là chuyện tìm nơi chôn cất mẹ già khi bà cụ Minh chẳng may qua đời.
Chị cho biết: “Thuê đất làm rạp thì rẻ chứ mua đất chôn người đắt đỏ gấp vài chục lần. Muốn rẻ hơn tí là mua đất cặp bờ. Nhưng đất đó chỉ chôn được mùa hạn. Khi ấy nước cạn, lòi cây rừng, lòi đất lên, mình đào hố, cắm cây cho chắc để làm dấu mùa sau còn biết chỗ mà dọn mồ, dọn mã, cúng kiếng tháng Thanh minh. Còn ngay mùa lũ, toàn khu rừng cặp bờ, nước ngập tới ngọn cây. Có hộ không tiền, đành bỏ vô hòm rồi dìm xác người nhà xuống biển, chằng dây lại đợi lũ qua...”.
Tình người kết nối quê hương
Chiếc đò tiếp tục hành trình, len lỏi nhẹ qua những căn nhà phao cũ kỹ trên mặt Biển Hồ rồi ghé lại một trường học. Ngôi trường mang tên “Trường học Việt Nam nuôi dạy trẻ em nghèo”. Ngôi trường ấy hình thành hơn chục năm về trước. Ban đầu chỉ có một phòng học 30 em. Mãi đến năm 2009, Quân khu 7 của Việt Nam hỗ trợ tiền xây thêm 2 ngôi trường cặp đó với 6 phòng học. Nhờ vậy, học sinh tăng lên 314 em như hiện nạy.
Ngôi trường Việt Nam |
Trao đổi với "cánh nhà báo" từ Việt Nam sang thăm, ông Trần Văn Tư (quê Tây Ninh), Hiệu trưởng trường này, cho biết: Nhờ ngay điểm du lịch của TP. Siem Reap nên từ ngày có trường, phần lớn các đoàn du lịch, có cả những tổ chức từ thiện từ Việt Nam sang, ghé trường ủng hộ gạo, cho tiền, hỗ trợ rất nhiều vật dụng, đồ dùng học tập…
Vì sự hỗ trợ ấy, nhà trường mới huy động được phần lớn con em kiều bào ở đây theo học. Các em học ở đây ngoài được hỗ trợ tất cả mọi thứ từ đồ dùng học tập đến cơm nước nguyên ngày, mỗi tháng một em còn được cấp 20 kg gạo mang về cho gia đình. Số gạo ấy, đủ để cha mẹ các em không bị đói trong một tháng nếu nhà quá nghèo, không có tiền mua gạo.
Ông Tư cũng cho biết, khu vực Biển Hồ của ấp 7 có 539 hộ dân (2.401 khẩu) nhưng chỉ 20% diện khá, 30% diện trung bình, còn lại đều nghèo. Nguyên nhân do mấy gần đây sản lượng cá giảm, khai thác không hiệu quả nên nhiều gia đình phải chèo xuồng đi xin ăn, nhờ lòng hảo tâm của khách thập phương tới Biển Hồ.
Cám cảnh ấy, ông Tư hỗ trợ luôn những gia đình hộ nghèo một suất gạo giống như học sinh học tại trường ông, tính ra một tháng cả gạo cho học sinh và hộ nghèo trong xóm không dưới 500 suất (khoảng 20 tấn).
Ngọc Long