Sáng nay, 14/5, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thông tin về hoạt động giám sát môi trường và công tác quản lý chất thải tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Theo Tổng cục Môi trường, FHS xả thải 26.000m3/ngày được xử lý tốt (cả sinh hoạt, sinh hoá, chất thải rắn). Chất thải rắn của FHS được chia thành 14 loại với 64 danh mục chính (không phải hàng nghìn loại chất thải như báo chí đã nêu) và được quản lý theo 03 nhóm.
Nhóm chất thải đã được hợp chuẩn, hợp quy (hàng hoá bán ra bên ngoài hoặc tái sử dụng tại FHS. Riêng đối với các loại xỉ thép, phát sịnh 2.500 tấn/ngày. Tổng khối lượng đã phát sinh là 1.141.800 tấn, đã sử dụng trong công trình giao thông và vành đai cây xanh trong nội bộ nhà máy là 238.000 tấn, chuyển giao cho các nhà máy xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng là 21.600 tấn; hiện đang còn khoảng 881.400 tấn được lưu giữ an toàn tại 03 bãi chứa xỉ thép trên bờ).
Nhóm chất thải có hàm lượng sắt cao có thể tự tái chế, tái sử dụng nội bộ hoặc chuyển giao cho các cơ sở để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Riêng đối với 1.334 tấn bùn cán nóng và 28.737 tấn bùn bụi phối trộn do có hàm lượng tổng dầu cao chưa được phép tái sử dụng, FHS đang lưu trữ an toàn.
Đối với bùn bánh lò cao phát sinh khoảng 150 tấn/ngày (đã tái sử dụng 8.200 tấn, hiện tồn kho 79.900 tấn), Bộ TN&MT đã yêu cầu FHS lưu giữ an toàn và xây dựng phương án tái sử dụng chất thải mày nhằm thu hồi các thành phần có ích nhưng phải đảm bảo an toàn, tuyệt đối về môi trường.
Nhóm chất thải phải chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý (rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại) được FHS lưu giữ an toàn trong khu liên hợp trước khi chuyển giao cho các đơn vị chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý theo qui định.
Hồ điều hòa môi trường trong nhà máy FHS |
Về vấn đề quản lý, chuyển giao phế liệu gang xỉ tại FHS, sau khi Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phế liệu gang xỉ và mẫu chất thải sau khi tuyển gang xỉ làm nguyên liệu sản xuất của một số đơn vị thu mua để phân tích và xác định có độ kiềm (pH) cao.
Theo Bộ TN&MT, việc so sánh phế liệu gang xỉ (đang được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, không thải ra môi trường) với quy chuẩn QCVN 07:2009/BTNMT là không phù hợp, dễ dẫn đến hiểu lầm.
Quy chuẩn quốc gia về môi trường đối với chất thải nói chung và QCVN 07:2009/BTNMT được sử dụng để kiểm soát chất thải khi thải ra môi trường, không sử dụng để đánh giá đối với phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và trong chu trình sản xuất.
Trong văn bản trao đổi của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên nêu "kết quả phân tích mẫu gang xỉ cho thấy giá trị pH đều vượt ngưỡng nguy hại..." chứ không khẳng định gang xỉ là chất thải nguy hại như một số báo nêu (vì gang xỉ có chứa 71,6% là sắt, là nguyên liệu sản xuất).
Tuy nhiên, các cơ sở tái chế, sử dụng gang xỉ (sau khi đã thu hồi sắt) nếu có phát sinh chất thải thì phải được quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải.
Ngày 12/5, Bộ TN&MT đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và một số Bộ, ngành liên quan về kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường của FHS trong thời gian qua.
"Bộ đã giao Tổng cục Môi trường tổ chức kiểm tra toàn diện hoạt động vận chuyển, chuyển giao và sử dụng phế liệu gang xỉ do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam vận chuyển từ FHS tới các cơ sở sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên.
Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng qui định của pháp luật và sẽ thông tin báo chí ngay khi có kết quả thực hiện" - ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh